Trong quý đầu tiên của năm 2023, các công ty khởi nghiệp của Ấn Độ đã huy động được khoảng 5,5 tỷ USD với 184 thỏa thuận đầu tư được thực hiện trong giai đoạn này, giảm 66% so với 16 tỷ USD cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu được tổng hợp bởi Venture Intelligence, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại Chennai (Ấn Độ). Theo báo cáo, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng vốn là các công ty khởi nghiệp liên quan đến CNTT và ngân hàng.
VỐN ĐẦU TƯ MẠO HIỂM TIẾP TỤC CHẬM LẠI Ở ẤN ĐỘ
Năm 2022, các công ty đầu tư mạo hiểm đã rót 46 tỷ USD vào Ấn Độ, giảm 29% so với mức cao kỷ lục vào năm 2021. Khi nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn, kêu gọi nguồn vốn từ nước ngoài trở nên đặc biệt khó khăn. Các nhà đầu tư mạo hiểm cho biết điều này chủ yếu là do định giá bị thổi phồng và chi phí chung cao hơn. Ngoài ra, nguồn vốn ít ỏi cũng đã buộc các công ty khởi nghiệp phải giảm quy mô hoạt động và sa thải nhân viên. Điều này cũng làm trì hoãn kế hoạch niêm yết của họ.
Mayank Shiromani, Giám đốc, Đối tác đổi mới của MUFG, cho biết: “Vì thị trường công khai là trọng tài cuối cùng trong việc định giá, nên các nhà đầu tư tư nhân hiểu rằng trừ khi một công ty có tiềm năng kiếm được tỷ suất lợi nhuận vượt trội hoặc duy trì tốc độ tăng trưởng hữu cơ đặc biệt, còn không thì bội số sẽ không hoạt động”.
CHÍNH SÁCH THẮT CHẶT CỦA FED KHIẾN NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ BỊ HẠN CHẾ
Các nhà đầu tư Hoa Kỳ là một trong những nhà tài trợ lớn nhất trong nền kinh tế khởi nghiệp của Ấn Độ. Vì vậy, các quyết định của Fed đã gián tiếp gây ra những làn sóng chấn động trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở Ấn Độ trong một năm qua. Lãi suất tăng làm các nhà đầu tư thắt chặt nguồn vốn để đảm bảo an toàn, dẫn đến dòng tiền và định giá của các công ty khởi nghiệp cũng thấp hơn. Rajeev Suri, Đối tác quản lý tại Oreos Venture Partners cho biết: “Nhìn vào các thông số rủi ro hiện tại, các nhà đầu tư đang tập trung vào các công ty khởi nghiệp có dòng tiền mạnh cùng với khả năng sinh lời thực sự tốt”.
LẠM PHÁT CAO LÀM XÓI MÒN TRIỂN VỌNG LỢI NHUẬN CỦA CÁC CÔNG TY KHỞI NGHIỆP ẤN ĐỘ
Do sự gián đoạn chuỗi cung ứng, trầm trọng hơn bởi cuộc chiến Ukraine, lạm phát đã tăng ở hầu hết các quốc gia vào năm 2022, bao gồm cả Ấn Độ.
Chi phí đầu vào tăng, do giá hàng hóa và năng lượng tăng cao–giá đầu vào tăng, chi phí cận biên tăng, đã gây áp lực cho các công ty trong vấn đề chi phí hoạt động. Điều này gây ra khó khăn cho các công ty mới thành lập để tạo ra dòng tiền dương ròng. Tổng kết lại, đứng trên quan điểm của một công ty đầu tư mạo hiểm, lợi nhuận thấp đương nhiên sẽ buộc họ phải đầu tư ít.
Neha Singh, đồng sáng lập nền tảng dữ liệu khởi nghiệp Trackxn cho biết: “Các chủ doanh nghiệp đã cắt giảm chi tiêu tài chính, đóng cửa các dự án kinh doanh thua lỗ và bắt đầu xem xét kỹ lưỡng các đơn vị kinh tế".
NỀN KINH TẾ KHỞI NGHIỆP CỦA ẤN ĐỘ ĐANG THIẾT LẬP LẠI
Khi xem xét lại mức định giá khổng lồ của các công ty khởi nghiệp Ấn Độ vào năm 2020 và 2021, được thúc đẩy bởi việc mở rộng các dịch vụ hỗ trợ công nghệ như Paytm, Zomato, Nykaa và Zerodha, những định giá tăng vọt này không thực sự mang lại lợi nhuận.
Dấu hiệu đầu tiên cho thấy thị trường Ấn Độ đang trở nên tồi tệ khi danh sách công ty công nghệ tài chính được niêm yết vào năm 2021 hoạt động không mấy suôn sẻ. Kể từ đó, các nhà đầu tư ngày càng khắt khe, tập trung nhiều vào các số liệu như định giá hợp lý, khả năng sinh lời, khả năng tiếp cận người tiêu dùng và khả năng mở rộng quy mô bền vững.
“Tất cả những phát triển hiện nay đòi hỏi một sự thay đổi hoàn toàn trong tư duy của các công ty khởi nghiệp. Họ phải dự đoán và chuẩn bị cho ngày càng nhiều rủi ro không lường trước được và luôn sẵn sàng đối phó với mọi tình huống”, Suri nói.
Trong khi các nhà đầu tư mạo hiểm tin rằng các công ty khởi nghiệp ở Ấn Độ có nhiều tiềm năng và sức bền trong dài hạn, họ cũng cho rằng các công ty cần phải hiệu chỉnh lại các nguyên tắc cơ bản và số liệu kinh doanh của mình.
Abhimanyu Bisht của Capfort Ventures cho biết: “Nguồn nhân tài dồi dào của đất nước và khả năng tạo ra các giải pháp tiên tiến của Ấn Độ càng làm tăng thêm sức hấp dẫn của quốc gia với tư cách là điểm đến đầu tư hàng đầu không chỉ đối với thị trường địa phương mà còn đối với các công ty và tổ chức toàn cầu”.