Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, ngày 11/8 và ngày 12/8, các địa phương trong khu vực Tây Bắc và Đông Bắc Bộ tiếp tục có mưa trên diện rộng, khiến mực nước trên các sông, suối dâng cao và gây ra sạt lở đất đá, ách tắc giao thông tại một số nơi.
Tại tỉnh Sơn La, mưa lớn đã làm sạt trượt đất đá từ ta luy dương xuống mặt đường, gây ách tắc giao thông trên tuyến đường tỉnh lộ 101 và 114 ở khu vực xã Tô Múa, huyện Vân Hồ và xã Tường Tiến, huyện Phù Yên. Các đơn vị thi công đã huy động nhân lực, vật lực đến hiện trường, nhanh chóng khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông cho người và phương tiện qua lại.
Trong chiều 11/8, tỉnh Lai Châu tiếp tục có mưa trên diện rộng, cục bộ có nơi mưa to đến rất to. Tuy nhiên, địa phương chưa ghi nhận có thiệt hại. Tại tỉnh Yên Bái, theo dự báo từ chiều tối nay đến 13/8, các sông suối trong tỉnh khả năng sẽ xuất hiện một đợt lũ.
Hiện, trên suối Ngòi Thia, mực nước đang dao động theo điều tiết của thủy điện phía thượng lưu; mục nước trên sông Thao cũng đang biến đổi, lúc chiều nay là trên 26m.
Dự báo đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Thao tại Yên Bái và suối Ngòi Thia có khả năng lên mức báo động 1 đến báo động 2, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực vùng cao, ngập úng cục bộ tại vùng trũng thấp như huyện Trấn Yên, Lục Yên, thành phố Yên Bái...
Tại thành phố Hà Nội, ghi nhận của hệ thống quan trắc tự động (Công ty Thoát nước Hà Nội), nhiều địa điểm tại các quận nội thành Hà Nội có mưa to với lượng mưa phổ biến hơn 100mm, nhiều nơi đang xảy ra ngập úng như đường Nguyễn Trãi, Phan Văn Trường, Trần Bình, Đỗ Đức Dục, Vương Thừa Vũ, Vũ Trọng Phụng - Quan Nhân, Nguyễn Chính, Minh Khai đang ngập 0,1 - 0,3m.
Chiều 12/8, khu vực Hà Nội tiếp tục có mưa. Cảnh báo mưa này có khả năng sẽ gây ngập úng cho nhiều tuyến phố nội thành với độ sâu phổ biến 20 - 30cm, một số tuyến phố ngập sâu hơn với độ sâu 40 - 50cm.
Do mưa lớn, trên dọc tuyến đường gom đại lộ Thăng Long từ Phú Đô về An Khánh (Hoài Đức) có nhiều điểm ngập khá sâu, thậm chí đoạn giao đại lộ Thăng Long với đường Lê Trọng Tấn, đoạn cầu vượt An Khánh ngập sâu 30 - 40cm khiến xe cộ di chuyển rất khó khăn gây ùn ứ giao thông. Bên cạnh đó, một số hầm chui dân sinh trên dọc đoạn đường này cũng bị ngập sâu 30 - 40cm khiến xe cộ không thể di chuyển qua.
Nhiều tuyến đường xung quanh bến xe Mỹ Đình như đường Phạm Hùng, Nguyễn Hoàng, Tôn Thất Thuyết ngập nửa bánh xe khiến người tham gia giao thông quanh khu vực di chuyển khó khăn ngay từ sáng sớm. Do đường ngập, giá cước vận tải các phương tiện xe ôm công nghệ tăng mà cũng không bắt được xe, nhiều người phải lội nước ngập sâu ra khỏi bến xe.
Vào chiều 12/8, Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết tổng hợp thiệt hại về người (đến 12h00 ngày 12/8): đã có ít nhất 4 người chết và 3 người mất tích. Lào Cai có 1 người bị cuốn trôi khi đi qua đập tràn, hiện vẫn chưa tìm được thi thể. Tỉnh Hòa Bình có 3 người chết và 2 người mất tích.
Tỉnh Phú Thọ vào chiều 11/8, tại huyện Thanh Sơn có 1 người bị lũ cuốn khi đi qua tràn (hiện địa phương đang xác minh thông tin).
Chiều 12/8/2022, Ban Chỉ đạo trung ương Phòng chống thiên tai ra công điện hỏa tốc gửi Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi phía Bắc.
Theo đó, trong những ngày vừa qua, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã có mưa lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, trong đó nguyên nhân chủ yếu do bất cẩn như bị lũ cuốn trôi khi đi qua suối, ngầm tràn nước chảy xiết, trẻ em bị đuối nước. Theo bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, mưa lớn còn tiếp tục tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra, nhất là thiệt hại đáng tiếc về người, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi phía Bắc triển khai một số nội dung sau:
Bố trí lực lượng kiểm soát, cảnh báo, hướng dẫn giao thông tại các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập sâu, chia cắt, không để người và phương tiện đi qua. Tổ chức quản lý, trông giữ, không để trẻ chơi đùa, đi lại tại khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Phải tăng cường thông tin kịp thời đến người dân về tình hình mưa lũ bằng các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng tránh. Các
Các Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn địa phương phải trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo (qua Văn phòng thường trực) để tổng hợp, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban.