May 25, 2025 | 10:37 GMT+7

Mưa lớn gây ngập sâu nhiều khu vực tại Hà Tĩnh, sơ tán dân và tài sản trong đêm

Nguyễn Thuấn -

Liên tục từ chiều tối ngày 24/5 đến rạng sáng ngày 25/5, mưa lớn kéo dài đã khiến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh chìm trong nước. Nhiều hecta lúa xuân bị ngập úng, nhiều tuyến đường bị chia cắt...

Người dân xã Cẩm Mỹ thức trắng đêm để ứng phó với lũ lụt. Ảnh Phan Trâm
Người dân xã Cẩm Mỹ thức trắng đêm để ứng phó với lũ lụt. Ảnh Phan Trâm

Theo tin từ Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, trong nhiều giờ qua từ 20h ngày 24/5 đến 4h ngày 25/5, khu vực Hà Tĩnh đã có mưa to đến rất to. Riêng địa bàn huyện Cẩm Xuyên, lượng mưa ở khu vực hồ Kẻ Gỗ lên đến 433mm. Một số nơi như: xã Cẩm Hưng 234mm, hồ sông Rác 257mm, hồ Thượng Tuy 270,8mm...

Tính đến sáng 25/5, mưa lớn xảy ra trên diện rộng đã gây ngập lụt nghiêm trọng tại nhiều xã thuộc các huyện Cẩm Xuyên, Vũ Quang, Kỳ Anh, Hương Khê và thị xã Kỳ Anh. Nhiều khu dân cư bị cô lập tạm thời, hệ thống giao thông nông thôn hư hỏng, tài sản của người dân bị nước lũ cuốn trôi hoặc ngập trong nước.

Vào lúc 3h sáng 25/5, tràn tự do tại hồ Bộc Nguyên đã vận hành, mực nước vượt cao trình ngưỡng tràn +1,35m, lượng nước đổ về hồ Bộc Nguyên cũng khá lớn. Lũ lên nhanh gây ngập lụt một số xã trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, đặc biệt là 2 xã nằm dưới vùng hồ Kẻ Gỗ: Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ. Ngay trong đêm, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ để hỗ trợ người dân sơ tán người già, trẻ em và kê cao đồ đạc.

Lực lượng Công an xã trên địa bàn Hà Tĩnh hỗ trợ người dân di dời lúa đến  nơi an toàn
Lực lượng Công an xã trên địa bàn Hà Tĩnh hỗ trợ người dân di dời lúa đến  nơi an toàn

Các xã Cẩm Thành, Cẩm Mỹ, Cẩm Thạch và Cẩm Duệ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhiều tuyến đường nội đồng và đường làng bị ngập sâu từ 40cm đến gần 1m. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng xung kích, đoàn thanh niên hỗ trợ người dân kê cao tài sản, di dời vật nuôi và lúa gạo.

Tình hình tại huyện Vũ Quang đặc biệt đáng lo ngại. Lượng mưa lớn đã làm mực nước sông Ngàn Sâu tăng đột biến. Tại các xã Đức Lĩnh, Đức Liên, Đức Giang và Đức Bồng, nước lũ tràn vào khu dân cư, chia cắt nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã. Đặc biệt, tại thôn Cừa Lĩnh, Mỹ Ngọc (xã Đức Lĩnh), nước ngập sâu hơn 1m, giao thông hoàn toàn bị chia cắt.

Hàng chục ha lúa xuân ở xã Đức Hương (Vũ Quang) đối mặt với nguy cơ mất trắng do bị ngập sâu. Ảnh Văn Chung
Hàng chục ha lúa xuân ở xã Đức Hương (Vũ Quang) đối mặt với nguy cơ mất trắng do bị ngập sâu. Ảnh Văn Chung

Tại xã Đức Hương, hơn 15 ha lúa xuân đang trong giai đoạn chín rộ bị nước nhấn chìm. Theo lãnh đạo xã Đức Hương, cho biết: Lượng mưa quá lớn chỉ trong vài tiếng đồng hồ khiến toàn bộ diện tích lúa chưa kịp thu hoạch bị ngập sâu. Toàn bộ lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân kê cao tài sản, di chuyển gia súc gia cầm đến khu vực an toàn. Đồng thời, xã cũng đang khẩn trương rà soát các hộ dân ở vùng nguy cơ cao để sẵn sàng phương án sơ tán.

Tại xã Kỳ Văn (huyện Kỳ Anh), hơn 150 hộ dân bị ngập từ 30 cm đến 1m. Mưa lớn kèm nước từ thượng nguồn đổ về khiến một số thôn bị chia cắt tạm thời. Chính quyền đã tổ chức các điểm sơ tán tạm thời tại nhà văn hóa thôn và trường học. Lực lượng công an và dân quân tự vệ túc trực, hỗ trợ vận chuyển tài sản, lương thực cho các hộ bị ảnh hưởng.

Lực lượng công an hỗ trợ người dân xã Thạch Ngọc (Thạch Hà) di dời tài sản đến nơi an toàn. 
Lực lượng công an hỗ trợ người dân xã Thạch Ngọc (Thạch Hà) di dời tài sản đến nơi an toàn. 

Ngoài ra, nhiều khu vực tại thị xã Kỳ Anh và huyện Hương Khê cũng ghi nhận tình trạng ngập úng, gây gián đoạn sinh hoạt và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, đợt mưa lớn lần này đã khiến hàng chục hecta lúa xuân chưa thu hoạch bị ngập, một lượng lớn lúa đã thu hoạch cũng bị ẩm ướt, lên mầm do không kịp chuyển về nơi khô ráo.

Các lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh được yêu cầu túc trực 24/24h, kiểm tra mực nước tại các hồ đập, sông suối lớn để có phương án ứng phó kịp thời. Ưu tiên hàng đầu hiện nay là bảo vệ tính mạng người dân, đặc biệt tại các vùng trũng thấp, có nguy cơ xảy ra sạt lở.

Ban Chỉ huy cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương thống kê cụ thể thiệt hại về nông nghiệp, tài sản, vật nuôi để có phương án hỗ trợ kịp thời; đồng thời tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc chủ động phòng chống thiên tai, không chủ quan trong mọi tình huống.

 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate