Tại Nghệ An, trưa 23/9, thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh này cho hay do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, trên địa bàn tỉnh này từ ngày 17 đến 22/9 có mưa to, có nơi mưa rất to.
Hiện nay, nhiều tuyến đường giao thông tại thành phố Vinh ngập sâu, giao thông nhiều đoạn bị tê liệt cục bộ, nhiều hộ gia đình đã bị nước tràn vào nhà, phải di dời đồ đạc...
Mưa lớn liên tiếp khiến địa bàn huyện Quế Phong xảy ra sạt lở núi, đất đá tràn xuống làm hư hỏng nhà cửa của một số hộ dân ở các xã Thông Thụ, Cắm Muộn.
Ngay trong chiều và tối ngày 23/9, huyện Quế Phong phối hợp với các lực lượng tiếp tục di dời khẩn cấp 26 hộ dân (126 nhân khẩu) ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm. Trong đó, xã Thông Thụ 16 hộ, Tri Lễ 5 hộ, Cắm Muộn 2 hộ, Hạnh Dịch 1 hộ, Quang Phong 2 hộ. Đối với những hộ dân bị ảnh hưởng, UBND huyện Quế Phong đã khẩn cấp di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Mưa lũ cũng đã gây thiệt hại lớn về vật nuôi, cây trồng và các công trình giao thông. Sạt lở đất, ngập lụt nhiều điểm trên quốc lộ 48, các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, chính quyền địa phương cũng đã cho người túc trực, cắm biển cảnh báo.
Tại huyện Thanh Chương, mưa lũ đã gây ngập lụt, chia cắt ở các xã Thanh Xuân, Thanh Tùng, Ngọc Lâm, Thanh Lâm, Hạnh Lâm, Thanh Đức. Trong đó, lũ gây cô lập 3 xóm ở xã Thanh Xuân với hàng trăm hộ dân.
Tại huyện Con Cuông, chính quyền địa phương đã sơ tán 55 hộ dân với 220 nhân khẩu trong vùng ngập lụt, nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn. Quốc lộ 7 đi qua địa bàn huyện bị sạt lở nghiêm trọng ở đoạn Dốc Chó, đá lăn, cây đổ từ núi xuống ở đoạn Vực Bồng.
Tại huyện Tân Kỳ, chính quyền sở tại cũng đã di dời người và tài sản của 25 hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở đất. Tại một số huyện như Diễn Châu, Tương Dương, Hưng Nguyên, Anh Sơn mưa lũ cũng đã gây ngập lụt nhiều nơi. Mưa lũ những ngày trên xảy trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã làm 3 người tử vong, hàng trăm hộ dân phải di dời đến nơi an toàn.
Tại Hà Tĩnh, nhiều tuyến đường tại thành phố Hà Tĩnh ngập sâu như Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Huy Tự, Lý Tự Trọng, Phan Đình Giót,… đang ngập sâu trong nước, nhiều phương tiện không thể đi lại.
Mưa lớn gây ngập lụt cục bộ tại nhiều xã vùng thấp trũng của huyện Hương Sơn như: Sơn Giang, Sơn Trung, Quang Diệm, Sơn Bằng, Sơn Phú, Sơn Tiến, An Hòa Thịnh, Kim Hoa và thị trấn Phố Châu. Mưa lớn suốt chiều và đêm qua cũng đã gây sạt lở tại khu vực dốc 7 tầng, xã Sơn Kim 1.
Do tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp nên toàn huyện Hương Sơn có hơn 5.600 học sinh ở 17 trường phải nghỉ học. Tại huyện Hương Khê, do một số tuyến đường ngập cục bộ nên học sinh một số trường cũng buộc phải nghỉ học. Sáng 23/9, dù các trường duy trì việc dạy, học bình thường nhưng hơn có 3.300 em phải nghỉ học, trong đó chủ yếu là học sinh bậc mầm non và tiểu học.
Khoảng 8h sáng 23/9, tại Km 81+750, cách eo Cô Gái khoảng 100m (tuyến Quốc lộ 8A đoạn về phía Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo tỉnh Hà Tĩnh) bị sạt lở. Lượng đất đá đổ xuống ước tính khoảng 500m3. Nhiều cây lớn cũng đổ ngã chắn ngang đường khiến giao thông bị tê liệt.
Trước đó sáng 20/9, tại Km58+600 Quốc lộ 8A cũng xảy ra sạt lở khiến đất đá tràn xuống mặt đường. Khi phát hiện điểm sạt lở, đơn vị quản lý đường bộ phối hợp với ngành chức năng địa phương dựng biển cảnh báo người và phương tiện qua lại, đồng thời, triển khai xử lý, hốt dọn số đất đá sạt lở.
Tại Thừa Thiên - Huế, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh này cho biết, từ chiều tối 22/9 đến ngày 24/9, trên địa bàn tỉnh có mưa, rải rác mưa vừa, có nơi mưa to, mưa rất to và rải rác có giông; trong cơn giông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 50 đến 150mm, có nơi trên 250mm.
Ngoài ra, nhiều vùng trong tỉnh như tại Phong Điền, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới... được cảnh báo có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Mưa lớn cũng có nguy cơ gây ra ngập úng cục bộ đô thị và những vùng thấp trũng; sạt lở, trượt lở đất đá ở vùng đồi núi và ven các sông suối nhỏ. Các vị trí có nguy cơ sạt lở đồi núi, đường giao thông, bờ sông, bờ biển cũng được xác định, cảnh báo.