Kim Jones chính là bậc thầy của việc tìm về quá khứ thương hiệu để làm sáng lên những thiết kế tinh xảo nhưng cũng căng tràn sự táo bạo thời đại, mà bộ sưu tập lần này là một minh chứng. Bộ sưu tập là sự trân trọng giá trị di sản của một nhà mốt lâu đời của nước Pháp, kết nối tinh hoa thời trang cổ điển và thế giới khiêu vũ một cách đầy bay bổng. Tất cả trang phục đều mang một màu sắc đương đại khi được Kim Jones phối những đôi tất màu sắc nổi bật cùng giày mũi tròn mang đậm cảm hứng ballet với các đường chần bông đặc trưng.
“Với cá nhân mình, tôi sẽ không diện đồ có logo, nhưng tôi hiểu rất rõ vì sao thế hệ trẻ yêu thích chúng đến vậy. Thiết kế trang phục của Dior Men luôn xuất hiện logo trên sản phẩm, nhưng tôi luôn theo dõi rất nghiêm ngặt mức độ chúng tôi sử dụng nó, bởi nếu không kiểm soát chặt chẽ, thiết kế của thương hiệu có thể trở thành những món đồ có hình ảnh logo quá mức cho phép”, Kim Jones bày tỏ.
Khi nhìn vào các sản phẩm của Dior Men, chúng ta rõ ràng nhận thấy được sự nghiên cứu kỹ lưỡng của đội ngũ sáng tạo vị trí đặt logo trên sản phẩm để trở nên đắt giá, khiến người sử dụng không bị quá phô trương khi lựa chọn thiết kế của hãng, nhưng vẫn chứng minh được sự đẳng cấp của bản thân.
Điểm hay đầu tiên để nói về bộ sưu tập lần này của Giám đốc sáng tạo Kim Jones chính là cách bản thân không chạy theo xu hướng “xa xỉ thầm lặng” mà nhiều thương hiệu đang hướng đến, mà cũng không đậm chất đường phố, bởi nhà thiết kế thừa hiểu rằng điểm mạnh và giá trị Dior Men ở đâu để thu hút được tệp khách hàng của mình. Một vẻ đẹp nam tính mới cho những cá thể riêng biệt, giúp phái mạnh thể hiện được cái tôi bên trong, tôn trọng giá trị của bản thân mà không cần phải e ngại điều gì.
BST là câu chuyện về mối quan hệ của nhà mốt với những nghệ sỹ ballet đã xuất hiện từ thời của người sáng lập Monsieur Christian Dior mà khách hàng thân thiết là vũ công ballet sáng giá nhất khi ấy: Margot Fonteyn, cô từng là khách hàng haute couture của quý ngài Christian Dior.
Ở mùa mốt năm 2024, Giám đốc sáng tạo Kim Jones một lần nữa lại kết nối với thế giới của những vũ công ballet, khi ông tìm cảm hứng cho show diễn, nhưng lần này, là tủ đồ hoàn toàn cho nam giới mà cảm hứng từ chính người chú quá cố Colin Jones - vũ công ballet trong đoàn múa hoàng gia Anh The Royal Ballet, cũng là một nhiếp ảnh gia đã thực hiện rất nhiều những bức ảnh chụp huyền thoại ballet Rudolf Nureyev.
BST không chỉ đến từ phục trang sân khấu của ông, mà còn được nhà mốt Pháp phát triển dựa trên tủ quần áo ngày thường. Theo báo chí ghi chép lại, Nureyev có một bộ sưu tập thời trang đỏm dáng, từ đồ len cashmere, các loại kimono bằng lụa Nhật đến áo choàng kaftan Trung Đông. “Tủ đồ của ông ấy quả thật rất xa xỉ”, giám đốc sáng tạo Kim Jones nói.
Vị giám đốc sáng tạo đã đem bầu trời đêm đầy sao làm không gian và ở phần trung tâm dàn dựng một sân khấu xoay lớn. Kim Jones đã trở thành bậc thầy trong việc dàn dựng những sàn diễn tuyệt vời như thể chúng chỉ tồn tại trong mơ. Người mẫu sải bước theo vòng tròn gợi liên tưởng đến những màn trình diễn của các vũ công ballet trong các tác phẩm Hồ Thiên Nga, La Bayadère… Đây là một khung cảnh thực sự đáng nhớ, sự chuẩn xác trên từng nhịp bước là điều vô cùng quan trọng và đặc biệt mỗi người vũ công sẽ luôn đứng vững trên đôi chân khi thực hiện các động tác xoay vòng liên tục.
Trang phục biểu diễn ballet luôn mềm mại, bay bổng và tuy bộ sưu tập Dior Men Thu Đông 2024 không hẳn vay mượn từ đồ vũ công, nhưng tính chất của vũ đạo vẫn ở đó, nằm trong sự nhẹ nhàng, thẩm mỹ phi giới tính rất hợp trào lưu unisex. Cảm hứng ấy cũng hiện diện qua những chiếc áo dệt kim bó sát người, những chiếc quần xòe ngắn chiết ly gợi nhớ về sân khấu. Dấu ấn Rudolf Nureyev được khắc họa ở những chiếc áo choàng dáng dài bằng lụa với họa tiết thêu và phụ kiện đội đầu theo kiểu khăn turban Trung Đông. Xa xỉ nhất là hai kiểu dáng có hoa văn toile-de-jouy được trang trí bằng chỉ bạc: một chiếc áo choàng có viền hình vỏ sò như những cơn sóng biển lấp lánh và một mẫu áo sát nách vạt xẻ.
Kim Jones chính là một nhà thiết kế luôn đấu tranh về sự bình đẳng giới. Với bộ sưu tập Thu đông 2024, Kim Jones cũng thách thức những quan niệm thông thường về cuộc sống của những người đàn ông, trang phục của họ và bản chất của vẻ đẹp nam tính hiện đại mà những đôi giày ballet là tuyên ngôn mạnh mẽ nhất. Để tăng thêm tinh thần thời trang đương đại, Dior Men cũng trình làng một phiên bản riêng của túi đeo ngang eo trên sàn diễn Thu - Đông 2024 bằng một cách tinh tế hơn với chi tiết chần bông óng ả kết hợp cùng trang phục áo sơ mi và quần xếp ly trang nhã.
Nhìn vào sự xuất hiện của từng người mẫu, người xem vẫn sẽ thấy được dấu ấn trên phom dáng của những bộ suit theo kiểu Modern Tailoring (May đo hiện đại) cùng các mẫu áo jacket với phần cổ lật vào trong dáng rộng mặc với quần shorts có khóa kéo. Các chất liệu thời thượng như da, dệt kim và nhiều loại vải khác được pha trộn để tạo thành một sự liên kết tuyệt vời giữa tinh hoa thời trang cổ điển và thế giới khiêu vũ hiện đại. Ngoài ra, nhà mốt nước Pháp cũng gửi gắm vô số những thiết kế suit xám – tông màu đặc trưng của Dior Men dưới thời Kim Jones phối với những kiểu áo có phần đính pha lê, ruby, kết hợp cùng nhiều trang sức bằng kim cương cao cấp.
Năm 2019, Dior từng thiết kế trang phục sân khấu cho các vũ công biểu diễn trong tác phẩm Đêm trắng (Nuit Blanche) và khách mời cho rằng hẳn phải có vũ công ballet bước ra để kết màn, nhưng không, điều đó không xảy ra. Nhà thiết kế muốn trang phục là ngôi sao chính của vở diễn mình sắp đặt, biến trang phục của Dior Men trở thành sự khao khát mới của thế hệ trẻ. Đủ khác biệt để người mặc dễ dàng thu hút ở bất cứ đâu, nhưng vẫn mang đầy tính thời trang, thậm chí biến những người đàn ông trưởng thành trở nên trẻ trung hơn với góc nhìn mới về thời trang đương đại. “Sân khấu rất hoành tráng là đủ rồi”, anh nói.