January 03, 2024 | 17:15 GMT+7

Mức chuẩn trợ cấp xã hội quá thấp so với mức sống tối thiểu

Thu Hằng -

Với mức chuẩn trợ giúp xã hội hiện nay là 360.000 đồng/tháng chỉ bằng khoảng 17% thu nhập bình quân, quá thấp so với mức sống tối thiểu, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo tổng kết năm 2023 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong năm 2023, Bộ đã thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng cho hơn 3,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội.

Trong đó trên 1,4 triệu người người cao tuổi; hơn 1,6 triệu người khuyết tật; 21.000 trẻ em đang hưởng chế độ đối với trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng; 146.000 trẻ em hưởng chế độ đối với trẻ em dưới 3 tuổi; 84.000 người đang hưởng chế độ người đơn thân nuôi con dưới 16 tuổi; 76.000 đối tượng khác. Ngoài ra còn có 349.000 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng hằng tháng.

Ngân sách nhà nước chi trợ giúp xã hội hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ước đạt trên 27.000 tỷ đồng. Có 14 tỉnh, thành phố chủ động nâng mức chuẩn trợ cấp cao hơn mức quy định cho khoảng 700.000 đối tượng với kinh phí hơn 3.500 tỷ đồng.

Công tác chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng thông qua tổ chức dịch vụ bưu chính công ích được triển khai tại 61 tỉnh, thành phố với trên 11.000 điểm chi trả bao phủ đến tận xã, phường; các phương thức chi trả đảm bảo thuận tiện và phù hợp với đặc điểm của đối tượng thụ hưởng chính sách.

Công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm, 95% người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 32% người cao tuổi được lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe ban đầu; hàng năm tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho hơn 1 triệu người cao tuổi…

Nhìn chung, đối tượng yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người có thu nhập thấp trong xã hội được hỗ trợ tiếp cận, thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội, y tế, giáo dục, dạy nghề, hỗ trợ việc làm, sinh kế, nâng cao thu nhập.

Năm 2023, 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời, không người dân nào bị đói.

Hơn 90% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời; hơn 90% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời.

Việc chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng nhìn nhận, chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng còn thấp, mới chỉ hỗ trợ được một phần nhu cầu thiết yếu của người dân; chưa tương đồng với chính sách bảo hiểm xã hội, lương hưu, giảm nghèo và trợ cấp đối với người có công với cách mạng.

Mức chuẩn trợ giúp xã hội hiện nay là 360.000 đồng/tháng chỉ bằng khoảng 17% thu nhập bình quân, 24% chuẩn nghèo nông thôn giai đoạn 2021-2025…

Đề cập đến mức chuẩn trợ giúp xã hội hiện nay quá thấp so với mức sống tối thiểu, tại hội nghị tổng kết công tác ngành mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong năm 2024, Bộ tiếp tục hoàn thiện, phát triển hệ thống an sinh xã hội bao trùm, toàn diện, đa dạng và nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là đối tượng yếu thế và người dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, thực hiện tốt chương trình, đề án, chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo, bảo đảm các đối tượng yếu thế được trợ giúp ổn định cuộc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Việc thực hiện chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt cũng sẽ được đẩy mạnh, nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đáp ứng yêu cầu bao phủ điểm rút tiền mặt từ tài khoản đến tận cấp xã, phường, thuận tiện, an toàn và phù hợp với đặc thù của đối tượng bảo trợ xã hội.

Cũng nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn sắp đến, Bộ trưởng Dung cũng yêu cầu các đơn vị chăm lo chu đáo để mọi người dân đều được đón Tết, nhất là đối với người có công, người nghèo, đối tượng xã hội, người lao động các đối tượng yếu thế trong xã hội, với tinh thần “không để người dân nào không có Tết”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate