August 28, 2024 | 09:34 GMT+7

Mức đóng bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2024 - 2025

Nhật Dương -

Năm học 2024 – 2025, học sinh, sinh viên đóng bảo hiểm y tế 73.710 đồng/tháng, 884.520 đồng/năm. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố tiếp tục hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương...

Tuyên truyền tham gia bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên. Ảnh: BHXH Việt Nam.
Tuyên truyền tham gia bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên. Ảnh: BHXH Việt Nam.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa thông tin về mức đóng và quyền lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên trong năm học 2024 – 2025.

Theo đó, nhóm tham gia là học sinh, sinh viên đang học tại các trường và cơ sở giáo dục và đào tạo (trừ trường hợp đã tham gia bảo hiểm y tế theo các nhóm khác theo quy định).

Mức đóng bảo hiểm y tế trong năm học 2024 – 2025 bằng 4,5% mức lương cơ sở hằng tháng. Trong đó, học sinh, sinh viên đóng 70%, Nhà nước hỗ trợ 30%.

Lương cơ sở hiện nay là 2,34 triệu đồng, mức đóng là 2,34 triệu đồng x 4,5% = 105.300 đồng/người/tháng.

Học sinh, sinh viên tự đóng 70%, tương ứng 105.300 đồng x 70% = 73.710 đồng/người/tháng. Nhà nước hỗ trợ 30%, tương ứng 105.300 đồng x 30% = 31.590 đồng/người/tháng.

Đóng theo năm, học sinh, sinh viên đóng 884.520 đồng/năm, Nhà nước hỗ trợ 379.080 đồng/năm. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố tiếp tục hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương.

Về mức hưởng khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến, học sinh, sinh viên được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế.

Mức hưởng là 100% chi phí khám chữa bệnh trong các trường hợp gồm: Khám chữa bệnh tại tuyến xã (trạm y tế xã, phường, thị trấn); Tổng chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (351.000 đồng/lần); có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên, và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (14,04 triệu đồng).

Đối với đi khám chữa bệnh trái tuyến, học sinh, sinh viên được hưởng 40% chi phí trong phạm vi quyền lợi hưởng khi điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến Trung ương.

Mức hưởng là 100% chi phí trong phạm vi quyền lợi hưởng khi điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh. Đồng thời, được hưởng 100% chi phí trong phạm vi quyền lợi hưởng khi điều trị ngoại trú, nội trú tại bệnh viện tuyến huyện.

Thẻ bảo hiểm y tế được cấp mới hoặc gia hạn hằng năm cho học sinh, sinh viên. Trong đó, đối với học sinh lớp 1, thẻ có giá trị từ ngày 1/10 hằng năm đầu tiên của cấp tiểu học. Đối với học sinh lớp 12, thẻ có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/9 của năm học.

Đối với sinh viên năm thứ nhất, thẻ có giá trị sử dụng từ khi nhập học. Sinh viên năm cuối, thẻ có giá trị sử dụng đến ngày cuối cùng của tháng kết thúc khóa học.

Giá trị sử dụng của thẻ bảo hiểm y tế tương ứng với số tiền đóng theo số tháng đã tham gia của học sinh, sinh viên.

Liên quan đến việc tham gia bảo hiểm y tế của đối tượng học sinh, sinh viên, trong hồ sơ xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đánh giá hiện chưa bảo đảm linh hoạt, chưa bảo đảm quyền lợi đối với trường hợp học sinh, sinh viên đồng thời là thành viên của hộ gia đình.

Điều này dẫn đến mức đóng của học sinh, sinh viên cao hơn khi so sánh với mức đóng của họ khi tham gia với tư cách là đối tượng thành viên hộ gia đình.

Mặc dù tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên tương đối cao, nhưng nhóm đối tượng là sinh viên tham gia với tỷ lệ thấp hơn nhóm học sinh.

Nguyên nhân có thể do mức phí của học sinh, sinh viên còn cao, trong khi phần hỗ trợ 30% từ ngân sách Nhà nước như hiện nay là thấp, đặc biệt đối với hộ gia đình đông con.

Một số địa phương đề xuất nên tăng mức hỗ trợ đóng từ 30% lên 50% cho nhóm học sinh, sinh viên, vì đây là nhóm phụ thuộc, tỷ lệ sử dụng bảo hiểm y tế cũng không cao.

Học sinh, sinh viên có thể lựa chọn tham gia bảo hiểm y tế tại trường, hoặc theo hộ gia đình để được giảm trừ với mức phí thấp hơn đóng tại trường.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate