September 04, 2023 | 14:34 GMT+7

Mức lương của lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Nhật Dương -

Việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nhiều thị trường cho thu nhập tốt như Hàn Quốc, Nhật Bản…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 8 tháng qua công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt kết quả tích cực.

ĐƯA HƠN 97.000 LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI TRONG 8 THÁNG

Tính riêng trong tháng 8/2023, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là hơn 12.000  lao động. Trong đó, thị trường Nhật Bản là 6.076 lao động, Đài Loan (Trung Quốc) là 4.698 lao động, Hungary 200 lao động, Singapore 164 lao động, Hàn Quốc 145 lao động, Trung Quốc 139 lao động, Romania 90 lao động...

Tính chung 8 tháng qua, cả nước đã đưa được 97.234 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt hơn 88% kế hoạch năm 2023.

Nhật Bản tiếp tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 47.215 lao động, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) 41.654 lao động, Hàn Quốc 1.944 lao động, Trung Quốc 1.163 lao động, Hungary 1.002 lao động, Singapore 964 lao động, Romania 627 lao động...

Hiện Trung tâm Lao động ngoài nước là đơn vị được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giao thực hiện các chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài như: Chương trình đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc (chương trình EPS); Chương trình đưa thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản (chương trình IM Japan); Chương trình đưa điều dưỡng viên đi học tập và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức (chương trình điều dưỡng viên Đức); Chương trình đưa hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản (chương trình hộ lý Nhật Bản)…

Ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, cho biết từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã đưa được trên 133.000 người lao động đi làm việc tại nước ngoài.

Khi tham gia các chương trình do Trung tâm thực hiện có mức chi phí thấp, cách thức triển khai công khai minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp cận các chương trình, đặc biệt là người lao động có hoàn cảnh khó khăn, thuộc đối tượng chính sách. Qua đó, đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Với thị trường Hàn Quốc, 4 ngành nghề mang lại nguồn thu nhập hấp dẫn cho người lao động Việt Nam gồm: Sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp.

Theo ông Hồng, người lao động làm trong các ngành nghề này đều được hưởng đầy đủ các chế độ về lương, bảo hiểm như người lao động bản địa. Mức lương tối thiểu hiện nay là trên 2 triệu won/tháng (tương đương khoảng 36 triệu đồng), chưa kể tiền lương làm thêm giờ.

Đối với chương trình IM Japan, trong thời gian làm việc tại Nhật Bản, thực tập sinh được hưởng lương 130.000-170.000 Yên/tháng (từ 21,5 triệu đến 28 triệu đồng/tháng), sau khi kết thúc thời gian thực tập, thực tập sinh sẽ được nhận khoản tiền khuyến khích sự nghiệp là 200.000 Yên/năm (tương đương 33 triệu đồng).  

Những năm gần đây, Nhật Bản cũng liên tục là thị trường dẫn đầu về tiếp nhận lao động Việt Nam, đây là thị trường thu nhập tốt, hấp dẫn đối với lao động Việt.

MỞ RỘNG CÁC THỊ TRƯỜNG CÓ THU NHẬP CAO

Để nâng cao hiệu quả các chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đề nghị các đơn vị được giao thực hiện trao đổi với phía đối tác và triển khai mở các lớp đào tạo tiếng Nhật, đào tạo định hướng cho lao động tham gia chương trình IM Japan, EPS; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động tham gia các chương trình.

“Trung tâm Lao động nước ngoài cần phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các trường dạy nghề để nâng cao hiệu quả kết nối giữa công tác đào tạo và công tác tuyển chọn, phái cử lao động, từng bước nâng cao số lượng và tỷ lệ lao động đã được đào tạo nghề đi làm việc ở nước ngoài”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nói.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng cần đẩy nhanh công tác chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua các chương trình; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu người lao động với các đơn vị khác như các Trung tâm Dịch vụ việc làm địa phương, doanh nghiệp trong nước có nhu cầu tiếp nhận lao động để tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp.

Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi cho lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã quy định chặt chẽ, cụ thể trách nhiệm của doanh nghiệp phái cử, điều kiện hợp đồng cung ứng, các khoản thu của doanh nghiệp phái cử đối với người lao động theo hướng giảm chi phí trước khi đi cho người lao động, tăng điều kiện đối với doanh nghiệp phái cử.

Năm 2023, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa 110.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ngoài việc tiếp tục giữ vững các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Bộ cũng sẽ xúc tiến để mở rộng thị trường mới, tăng dần số lượng lao động Việt Nam đi làm việc tại một số quốc gia châu Âu trong các ngành nghề mới với công việc ổn định và thu nhập cao.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate