August 06, 2008 | 16:49 GMT+7

Mừng hay lo với FDI?

Anh Thư

Vốn FDI thực “chảy” vào Việt Nam bao nhiêu mới thực sự có ý nghĩa đối với nền kinh tế

Vốn đăng ký vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay cao gấp 2,5 lần so với cả 2007 và bằng hơn một nửa của cả 20 năm (từ 1988 đến 2007) thu hút FDI.
Vốn đăng ký vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay cao gấp 2,5 lần so với cả 2007 và bằng hơn một nửa của cả 20 năm (từ 1988 đến 2007) thu hút FDI.
Chúng ta vui mừng với con số kỷ lục 45 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp phép trong 7 tháng đầu năm 2008.

Số vốn đăng ký này gấp 2,5 lần so với cả 2007 và bằng hơn một nửa của cả 20 năm (từ 1988 đến 2007) thu hút FDI.

Vốn đăng ký là tổng vốn đầu tư mà các bên (cả nước ngoài và Việt Nam) cam kết, hay hứa sẽ bỏ ra để thực hiện dự án được cấp phép. Trong tổng vốn đăng ký trên giấy này, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đưa vào Việt Nam, hay vốn FDI thực “chảy” vào Việt Nam bao nhiêu mới thực sự có ý nghĩa đối với nền kinh tế, đối với các cân đối kinh tế vĩ mô.

Tỷ lệ vốn thực hiện thấp

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, từ 1988 đến  2007, bên nước ngoài (cả vốn góp và vốn vay) đã đưa vào Việt Nam 37,9 tỷ USD, bằng 45% so với 83 tỷ USD tổng vốn đăng ký cùng kỳ. Con số này có phần  thấp do những dự án mới được cấp phép trong một vài năm gần đây mới được giải  ngân một phần.

Việc vốn FDI đưa vào Việt Nam để thực hiện dự án bằng khoảng một nửa vốn đăng ký là bình thường, có thể lý giải được.

Trước hết, một số dự án được cấp phép, nhưng vì nhiều lý do không triển khai được, bị rút giấy phép với số vốn chiếm khoảng 10% tổng vốn đăng ký. Thứ hai, trong vốn đăng ký có phần góp vốn của bên Việt Nam trong liên doanh, thường khoảng 30%, tính cả các dự án 100% vốn nước ngoài (20% tổng vốn đăng ký) thì vốn góp của bên Việt Nam còn chiếm 24% tổng vốn đăng ký.

Thứ ba, vốn pháp định hoặc vốn điều lệ mới là quy định có tính pháp lý buộc nhà đầu tư nước ngoài đưa vốn vào Việt Nam thực hiện dự án, tỷ lệ này độ 40%. Còn lại 60% là vốn vay, trong đó khoảng 20% huy động trong nước, bằng 12% tổng vốn đăng ký. Loại trừ 3 khoản trên, ta thấy FDI chảy vào Việt Nam để thực hiện dự án bằng 54% tổng vốn đăng ký.

Để có được con số 54% này, các dự án phải trải qua một khoảng thời gian tương đối dài, những dự án có quy mô vốn đầu tư càng lớn thì thời gian càng dài hơn. Trong một năm không thể đạt tới con số trên, nên việc so sánh tỷ lệ vốn thực hiện với vốn đăng ký của cùng một năm là khập khiễng, thiếu khoa học. Bởi vì trong đầu tư bao giờ cũng có độ trễ, thời gian thi công kéo dài và sự gối đầu.

Xin đừng băn khoăn rằng vì sao vốn đăng ký 7 tháng đầu năm 2008 lên đến 45 tỷ USD, nhưng tỷ lệ vốn thực hiện thấp dần, chỉ còn 13% (6/45) thay vì 40-50% so với nhiều năm trước đây.

Khi nhiều dự án lớn vào bất động sản

Các nhà đầu tư nước ngoài đang tăng mạnh đầu tư vào bất động sản.

Nếu như trước năm 2007 chỉ có 15% tổng vốn đăng ký vào bất động sản, nay con số này từ 2007 trở lại đây là khoảng 30%, tăng hai lần. Quy mô dự án đầu tư lớn và tỷ trọng đầu tư vào bất động sản cao đặt ra một số vấn đề cần được quan tâm ngay từ bây giờ để có những biện pháp, bước đi phù hợp, vừa phát huy điểm mạnh, vừa hạn chế những tác động tiêu cực của nó.

Đầu tư nhiều vào bất động sản sẽ làm cho việc cân bằng xuất nhập khẩu thêm khó khăn vì khi giải ngân các dự án này chỉ có nhập khẩu, không có xuất khẩu. Cân đối ngoại tệ sẽ phức tạp khi các nhà đầu tư nước ngoài chuyển vốn, thu nhập hợp pháp ra nước ngoài.

Những dự án bất động sản cần nhiều diện tích đất hơn các dự án thuộc các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác. Thêm nữa, dự án bất động sản thường tập trung ở các khu đô thị, khu công nghiệp, thành ra phần lớn đất bị lấy làm dự án là đất nông nghiệp “bờ xôi, ruộng mật”. Đời sống của người nông dân bị thu hồi đất đến nay vẫn nóng bỏng và chưa được giải quyết rốt ráo.

Quy mô dự án càng lớn thì thu hút lao động càng ít tính trên một đơn vị đồng vốn. Đến nay, FDI mới tạo việc làm cho 1,2 triệu lao động. Khu vực kinh tế nhà nước cũng đang trong giai đoạn cơ cấu, sắp xếp lại, nên việc làm ở khu vực này tăng không đáng kể. Khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình mới là khu vực giải quyết lao động cho hơn một triệu lao động hàng năm.

Xu thế hiện nay, FDI và đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước gia tăng sẽ làm co lại khả năng tiếp cận nguồn lực, trước hết là đất đai và vốn của khu vực kinh tế tư nhân và hộ gia đình, để lại khoảng trống về giải quyết việc làm.

Đất nông nghiệp thô được đầu tư kết cấu hạ tầng tiện cho sản xuất, kinh doanh và dân sinh trở thành đất thương mại tinh thì giá trị tăng lên gấp vài chục lần so với mức giá đất nông nghiệp thô do Nhà nước đền bù cho nông dân theo quy định của pháp luật.

Trong phần giá trị tăng lên đó, không chỉ có phần do chủ dự án đầu tư, mà có phần do Nhà nước đầu tư và có phần do thương quyền (địa lợi thế kinh doanh) mang lại. Vì vậy, Nhà nước nên có chính sách cho người nông dân được hưởng hàng năm một phần tiền giá trị tăng lên của đất thương mại tinh (phần do Nhà nước đầu tư và thương quyền) thay vì đến nay, người nông dân chỉ được nhận tiền đền bù đất nông nghiệp thô.

Khoản tiền này được tính vào chi phí hàng năm của dự án. Làm như vậy sẽ phần nào khắc phục được tình trạng một bộ phận người nông dân hiện nay đang lâm vào cảnh: tiền đền bù đã cạn, việc làm mới chưa thấy đâu, đất nông nghiệp chẳng còn.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate