Ngày 27/12, Bộ Xây dựng đã công bố 10 kết quả tiêu biểu của ngành Xây dựng năm 2024. VnEconomy giới thiệu cùng bạn đọc.
Một là công tác hoàn thiện thể chế tiếp tục là điểm sáng
Năm 2024, công tác hoàn thiện thể chế tiếp tục được quan tâm đặc biệt và là điểm sáng, thể hiện sự quyết tâm, đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ Xây dựng.
Ngày 26/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn (có hiệu lực từ ngày 01/07/2025). Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 tại Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung soạn thảo và trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định, trình Thủ tướng ban hành 01 Quyết định; Ban hành theo thẩm quyền 02 thông tư hướng dẫn luật, bảo đảm đồng bộ hiệu lực thi hành với luật.
Cùng với Luật Đất đai sửa đổi (được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2024), Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 cũng có hiệu lực từ 01/8/2024. Để các chính sách sớm đi vào thực tiễn, Bộ Xây dựng đã trình và được Chính phủ ban hành 05 Nghị định, 01 Quyết định, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. 02 dự án luật khác do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo là Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Cấp, thoát nước cũng đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Dự kiến, Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025)…
“Những kết quả tích cực trong xây dựng, hoàn thiện thể chế Bộ Xây dựng đạt được trong thời gian qua đã kịp thời thể chế hóa các chính sách, chủ trương của Đảng, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Xây dựng bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ. Đồng thời, đã tháo gỡ hiệu quả các vướng mắc, bất cập cản trở sự phát triển có nguyên nhân từ quy định pháp luật; tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp”, đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Hai là đẩy mạnh phân cấp phân quyền trong quản lý nhà nước
Nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng tích cực tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành các luật, văn bản dưới luật nhằm tăng cường phân cấp và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng, việc đẩy mạnh phân cấp cho địa phương thẩm định dự án, thiết kế, cấp giấy phép xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu, cấp giấy phép xây dựng cho nhà thầu nước ngoài… đã được thực hiện theo lộ trình ngay từ đầu nhiệm kỳ.
Đặc biệt, trong năm 2024, Bộ Xây dựng đã rà soát, tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP và một số Nghị định có liên quan về quản lý dự án đầu tư xây dựng để thực hiện phân cấp mạnh mẽ các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ về cho địa phương thực hiện.
Với việc phân cấp triệt để như trên, dự kiến sau khi Nghị định có hiệu lực, số thủ tục hành chính từ cơ quan trung ương được phân cấp thêm cho địa phương thực hiện là khoảng 95% về thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu và 100% về cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng; giảm khoảng 10% số hồ sơ dự án, công trình yêu cầu thực hiện thủ tục thẩm định tại cơ quan nhà nước.
Ba là tích cực tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án, công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho công trình trọng điểm quốc gia, đẩy mạnh đầu tư công. Thực hiện nhiệm vụ tại Công điện số 02/CĐ-TTg ngày 9/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành liên quan và 46 địa phương, đồng thời thành lập tổ công tác liên Bộ để tập trung tháo gỡ vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng, khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án.
Đến nay Bộ Xây dựng đã ban hành 250 định mức, sửa đổi bổ sung kịp thời để tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Bốn là tăng trưởng ngành Xây dựng cao nhất trong 5 năm qua
Năm 2024, tăng trưởng ngành Xây dựng đạt khoảng 7,8% - 8,2%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,4% - 7,3%). Đây cũng là tốc độ tăng trưởng cao nhất ngành Xây dựng đạt được từ năm 2020 đến nay, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng GDP chung của nền kinh tế.
Năm là công tác phát triển nhà ở xã hội tiếp tục được quan tâm
Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội:
Ngày 24/5/2024, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới;
Ngày 30/8/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 927/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW;
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 161/2024/QH15 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Ngày 1/11/2024, Bộ Xây dựng đã ban Kế hoạch thực hiện Quyết định số 927/QĐ-TTg nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đổi mới phương thức, mô hình quản lý và phát triển nhà ở xã hội để thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài tham gia lĩnh vực này. Bộ đang trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, đề xuất triển khai gói ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội từ nguồn vốn trái phiếu, áp dụng trong 5 năm.
Những nỗ lực trên sẽ là tiền đề để công tác phát triển nhà ở xã hội trên cả nước sẽ tăng tốc bứt phá trong thời gian tới.
Sáu là thị trường bất động sản vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để lấy đà phục hồi phát triển
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng cùng các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản đã làm việc lần lượt với các địa phương và các doanh nghiệp bất động sản để nghe báo cáo, nắm thông tin, tình hình và rà soát đến từng dự án bất động sản cụ thể để trao đổi, hướng dẫn, giải đáp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.
Cùng với hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật, những giải pháp quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, sự nỗ lực cố gắng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư..., thị trường bất động sản đã có những chuyển biến tích cực, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Bảy là tiếp tục tập trung triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW
Trong năm 2024, Bộ Xây dựng tiếp tục tập trung triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thực hiện các Nghị quyết Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, trong năm 2024, Bộ Xây dựng đã thành lập Tổ công tác chủ động làm việc với 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để đôn đốc triển khai các quy hoạch chung đô thị, chương trình phát triển đô thị. Đến nay, đã có 22 đơn vị hành chính là thành phố, thị xã thực hiện sắp xếp; 59 thị trấn trên phạm vi 05 tỉnh, thành phố được đề nghị sắp xếp, đáp ứng mục tiêu và kế hoạch đề ra.
Tám là đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, cung ứng sử dụng vật liệu xanh, vật liệu mới, vật liệu thay thế trong xây dựng công trình
Trên cơ sở tham mưu của Bộ Xây dựng, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển vật liệu xanh. Với các cơ chế chính sách phù hợp, nhiều loại vật liệu xanh, vật liệu mới trong nước đã ngày càng được nghiên cứu và phát triển. Số lượng và chủng loại vật liệu xanh ngày càng tăng và đa dạng. Số lượng các công trình xanh tại Việt Nam tăng lên hàng năm: năm 2022 có khoảng 200 công trình xanh; năm 2023 có hơn 300 công trình xanh; năm 2024 đã có trên 500 công trình xanh.
Chương trình Tuần lễ Công trình xanh đã thành sự kiện thường niên, uy tín của Bộ Xây dựng.
Chín là tăng cường cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử
Bộ đã ban hành Quyết định 926/QĐ-BXD ngày 11/10/2024, phê duyệt Đề án Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án hướng tới mục tiêu từng bước hiện đại hóa hành chính, minh bạch hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến ngành Xây dựng.
Trong công tác cải cách hành chính, Bộ Xây dựng đã thực thi được 8/9 thủ tục hành chính, đạt 88%; đang cung cấp 35 dịch vụ công trực tuyến trên tổng số 119 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý ngành Xây dựng; thực hiện kết nối toàn diện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ với hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến một cách tự động, đánh giá được kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo thời gian thực (hệ thống EMC).
Bộ cũng triển khai thí điểm ứng dụng GIS trong công khai thông tin quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên cổng thông tin quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị Việt Nam.
Mười là triển khai quyết liệt tổng kết Nghị quyết 18 -NQ/TW và Đề án sắp xếp tinh gọn bộ máy
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo Chính phủ tổng kết Nghị quyết 18- NQ/TW, Bộ Xây dựng đã khẩn trương, tích cực làm việc với Bộ Giao thông vận tải để hoàn thiện báo cáo Tổng kết Nghị quyết 18 và dự thảo Đề án Hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải, báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ đúng thời hạn.
Trong quá trình triển khai xây dựng Đề án, Bộ Xây dựng nghiêm túc quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và của Ban cán sự Đảng Bộ Xây dựng; nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; tạo được sự đồng thuận, nhất trí, cùng vì sự nghiệp và nhiệm vụ chính trị chung, tin tưởng vào sự hợp nhất là sức mạnh và hiệu lực, hiệu quả, phấn chấn và vững bước, trên bất kỳ cương vị nào cũng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.