December 13, 2022 | 17:18 GMT+7

Muốn án xử công bằng hơn, Trung Quốc thúc đẩy ứng dụng AI vào tòa án

Bảo Bình -

Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc yêu cầu tất cả các tòa án triển khai hệ thống AI "có thẩm quyền" trong ba năm ...

Trung Quốc muốn lĩnh vực tư pháp của mình phải được hỗ trợ bởi cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI) vào năm 2025. Chỉ thị này nhằm mục đích thúc đẩy tích hợp AI vào hệ thống tư pháp và tăng cường các dịch vụ pháp lý.

Tòa án cấp cao nhất của đất nước cho biết tất cả các tòa án được yêu cầu triển khai hệ thống AI "có thẩm quyền" trong ba năm, theo thông tin trên China Daily.

Tài liệu nêu rõ rằng một cơ sở hạ tầng có AI hỗ trợ sẽ "được quản lý tốt hơn" và hiệu quả hơn trong tất cả các quy trình cần thiết xử lý các vụ việc pháp lý. Tòa án cấp cao cho biết điều này sẽ bao gồm tích hợp AI chuyên sâu, tạo ra các tòa án thông minh và mức độ "công lý kỹ thuật số" cao hơn.

Tuy nhiên, ứng dụng AI sẽ không ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia hoặc vi phạm bí mật nhà nước cũng như vi phạm bảo mật dữ liệu cá nhân, đồng thời tài liệu của nhà nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tính hợp pháp và bảo mật AI trong các trường hợp pháp lý.

Các phán quyết sẽ vẫn là quyết định do các thẩm phán con người đưa ra, AI được khai thác như các công cụ và tài liệu tham khảo bổ sung để cải thiện hiệu quả của các thẩm phán và giảm bớt gánh nặng cho họ trong các vấn đề. Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết, một hệ thống do AI cung cấp cũng sẽ giúp công chúng tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ pháp lý và giúp giải quyết các vấn đề hiệu quả hơn.

Tòa án Nhân dân Tối cao yêu cầu các tòa án trên toàn quốc tập trung nỗ lực vào việc học cách sử dụng AI, để họ có thể xác định những điểm bất thường trong việc xử lý các vụ án.

Theo China Daily, tòa án tối cao trong thập kỷ qua đã nỗ lực thúc đẩy việc áp dụng công nghệ trong lĩnh vực này. Vào tháng 5, tòa án đã công bố kế hoạch thành lập một liên minh dựa trên blockchain tư pháp giữa các tòa án Trung Quốc và các lĩnh vực khác vào năm 2025, với mục đích thúc đẩy sự tích hợp của luật pháp và công nghệ, hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế xã hội.

Tính đến tháng 9, hơn 90.000 tổ chức hòa giải và 350.000 hòa giải viên đã sử dụng nền tảng do Tòa án Nhân dân Tối cao phát triển để hỗ trợ luật sư giải quyết tranh chấp trực tuyến. Ngoài ra, các tòa án năm ngoái đã nộp hơn 11,43 triệu vụ kiện trực tuyến.

Chính phủ Trung Quốc trước đây đã vạch ra kế hoạch biến AI trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của đất nước, bao gồm cả mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về AI vào năm 2030.

Vào tháng 9 năm nay, Trung Quốc cho biết sẽ bổ sung thêm 50 khu công nghệ cao vào năm 2030, ghi nhận các khu phát triển công nghiệp này đã thúc đẩy GDP của Trung Quốc và đạt được "đột phá" trong AI, điện toán lượng tử và truyền thông 5G. Chip AI và vệ tinh liên lạc lượng tử đầu tiên của quốc gia do các nhà khoa học và công ty làm việc trong các khu công nghệ cao phát triển.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate