Mất kiên nhẫn với mức giá bán lẻ xăng dầu cao nhất 7 năm và tốc độ lạm phát cao nhất 3 thập kỷ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi một loạt các quốc gia tiêu thụ dầu lớn khác phối hợp xả dự trữ dầu lửa chiến lược nhằm kéo giá dầu xuống. Động thái này diễn ra sau khi OPEC+ liên tiếp phớt lờ đề nghị của Washington về tăng sản lượng mạnh hơn.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng nỗ lực này của Mỹ và các nước tham gia có thể không mang lại hiệu quả như mong đợi.
THẾ KHÓ CỦA ÔNG BIDEN
Giá tiêu dùng tăng chóng mặt, trong đó có giá xăng dầu, là một nguyên nhân khiến tỷ lệ ủng hộ ông Biden giảm xuống mức thấp trong các cuộc thăm dò dư luận thời gian gần đây. Kết quả khảo sát mới nhất từ FiveThirtyEight cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Biden hiện ở mức 42,9%, giảm hơn 10 điểm phần trăm kể từ mức 53% khi ông mới nhậm chức. Trong số các Tổng thống Mỹ từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, chỉ có ông Donald Trump có tỷ lệ ủng hộ thấp hơn (38,4%) ở thời điểm tương ứng trong nhiệm kỳ cầm quyền.
Tháng 10 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 6,2%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1990. Giá xăng bán lẻ bình quân toàn quốc ở Mỹ, theo dữ liệu từ AAA, hiện ở mức khoảng 3,4 USD/gallon, cao nhất 7 năm trở lại đây, từ mức 2 USD/gallon vào thời điểm tháng 4/2020, khi Covid mới trở thành đại dịch.
Một nguyên nhân khiến giá xăng ở Mỹ tăng mạnh là giá dầu tăng, vì nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu phục hồi mạnh từ đại dịch mà nguồn cung lại tăng chậm hơn. Cuối tháng 10, giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York có lúc đạt gần 85 USD/thùng, cao nhất 7 năm.
Gần đây, giá dầu WTI giảm dưới ngưỡng 78 USD/thùng. Một số tổ chức, gồm Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng đến đầu năm 2022, thế giới có thể thừa dầu trở lại, vì nhu cầu tiêu thụ dầu có thể yếu đi do ảnh hưởng của làn sóng Covid đang hoành hành mạnh ở các nước châu Âu.
Tuy nhiên, ông Biden không muốn đợi cho tới khi giá dầu tự giảm. Đối mặt với thế bất lợi của Đảng Dân chủ trước kỳ bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào năm tới, ông Biden cuối cùng đã hành động sau một thời gian cân nhắc. Hôm 23/11, Mỹ tuyên bố sẽ cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Anh xả vài chục triệu thùng dầu để kéo giá xăng dầu xuống. Với lượng xả của Mỹ là 50 triệu thùng, Ngân hàng Goldman Sachs ước tính đợt xả này sẽ mang đến cho thị trường khoảng 70-80 triệu thùng dầu.
Tuy nhiên, trong hai phiên giao dịch sau khi tuyên bố trên được đưa ra, giá dầu không hề giảm. Thậm chí, trong phiên ngày 23/11, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 3,3% và giá dầu WTI tăng 2,3%. Trong phiên ngày 24/11, giá cả hai loại dầu giảm nhưng mức giảm không đáng kể.
Mặc kỳ vọng của chính quyền Mỹ và các nước nhập khẩu dầu lớn khác, giới phân tích cho rằng đợt xả dự trữ dầu này khó có thể kéo giá dầu xuống.
Các chuyên gia của Goldman Sachs nói rằng mức xả dự trữ được công bố thấp hơn so với kỳ vọng trước đó của thị trường là 100 triệu thùng dầu sẽ được bơm ra. “Theo mô hình của chúng tôi, việc xả dự trữ như vậy chỉ có thể khiến giá dầu giảm 2 USD/thùng là phù hợp, ít hơn nhiều so với đợt bán tháo đã lên tới 8 USD/thùng từ cuối tháng 10 đến nay”, báo cáo nhấn mạnh và so sánh mức xả dự trữ đó như “muối bỏ bể”.
MỨC XẢ DỰ TRỮ ĐƯỢC VÍ NHƯ “MUỐI BỎ BỂ”
Tương tự, các nhà phân tích của JPMorgan Chase nói rằng nếu giá dầu có giảm vì động thái xả dự trữ, thì tác dụng cũng không kéo dài. “Bất kỳ ảnh hưởng nào đến giá dầu của việc bơm dầu ra thị trường cũng khó có khả năng duy trì lâu, vì cán cân cung cầu không thể vì thế mà thay đổi được lâu”, một báo cáo của ngân hàng Mỹ này viết.
Thậm chí, giới phân tích còn cho rằng việc nhóm nước dẫn đầu là Mỹ xả dự trữ dầu, cùng với khả năng suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu ở châu Âu do các biện pháp hạn chế chống Covid-19, có thể dẫn tới việc OPEC+, liên minh giữa OPEC và một số nước đồng minh ngoài khối gồm Nga, không nâng mức sản lượng cho tháng 1/2022. Trong trường hợp như vậy, có thể nói rằng việc xả dự trữ phản tác dụng. Cuộc họp chính sách sản lượng tiếp theo của OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 2/12.
Về mặt nhu cầu, theo ngân hàng này, vào một thời điểm nào đó trong quý 3/2022, giá dầu Brent có thể vượt 90 USD/thùng.
“Sau khi tăng trưởng 5,6 triệu thùng/ngày trong năm nay, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu có thể tăng thêm 3,5 triệu thùng/ngày trong năm 2022, đạt 99,98 triệu thùng/ngày, nhiều hơn 280.000 thùng/ngày so với mức tiêu thụ của năm 2019 và là một con số kỷ lục”, JPMorgan dự báo.
Trong khi đó, cho dù đang tăng nhanh, nguồn cung dầu của Mỹ phải đến tháng 7/2023 mới có thể trở lại mức trước đại dịch, nghĩa là hơn 3 năm sau ngày giá dầu WTI giảm dưới 0 lần đầu tiên trong lịch sử vào tháng 4/2020 khi Covid mới trở thành đại dịch. Như vậy, trong vòng hơn một năm rưỡi tới đây, OPEC+ vẫn sẽ nắm quyền kiểm soát trên thị trường dầu toàn cầu.
Mỹ hiện có khoảng 605 triệu thùng dầu trong Dự trữ Xăng dầu chiến lược (SPR), theo số liệu từ Bộ Năng lượng nước này. Một quan chức Chính phủ Mỹ nói với hãng tin CNN rằng tuỳ vào mức độ hấp thụ của thị trường, những thùng dầu xả từ SPR sẽ được đưa ra thị trường trong thời gian từ giữa đến cuối tháng 12.
TÍN HIỆU CẢNH BÁO ĐỐI VỚI OPEC VÀ NGA
Giới thạo tin tiết lộ rằng trong những tuần gần đây, ông Biden được cố vấn rằng việc xả dự trữ sẽ không có nhiều tác dụng trong việc giảm nhiệt giá dầu, nhưng các nghị sỹ Dân chủ lập luận rằng cách làm này có thể giúp giải toả bớt căng thẳng về giá tại các trạm bán lẻ xăng. Thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện, nghị sỹ Chuck Schumer, là một trong những người Dân chủ dẫn đầu nỗ lực thuyết phục Tổng thống đi đến quyết định xả dự trữ dầu.
Có thể không khiến giá dầu giảm đáng kể, nhưng động thái xả dự trữ của Mỹ là một tín hiệu cảnh báo với các nước OPEC và Nga rằng Mỹ hoàn toàn nghiêm túc trong nỗ lực giảm giá dầu. Trong suốt nhiều tuần trước đó, ông Biden và các quan chức Mỹ đã cảnh báo Saudi Arabia, thủ lĩnh không chính thức của OPEC, về việc Mỹ sẽ tìm giải pháp nếu giá dầu vượt mức 85 USD/thùng – điều đã xảy ra vào tháng trước. Tuy nhiên, Ryiadh giữ vững lập trường không bơm thêm dầu vì cho rằng Mỹ có thể đạt một thoả thuận hạt nhân Iran – kịch bản sẽ dẫn tới Iran được dỡ lệnh trừng phạt kinh tế và nối lại hoạt động xuất khẩu dầu, nguồn tin là quan chức Mỹ tiết lộ với CNN.
Không chỉ xả dự trữ, ông Biden còn tìm các biện pháp khác để kéo giá dầu xuống. Trước đó, ông đã yêu cầu Uỷ ban Thương mại Liên bang (FTC) ngay lập tức điều tra xem liệu các công ty dầu khí có hành vi mờ ám nào khiến giá xăng bán lẻ bị đẩy lên cao. Động thái này cũng ít có khả năng tác động ngay đến giá xăng bán lẻ ở Mỹ, nhưng cũng cho thấy ông Biden đang chứng tỏ quyết tâm hạ nhiệt giá xăng dầu, trong bối cảnh giá xăng cao khiến cử tri Mỹ bất bình.
Ngoài ra, chính quyền của ông Biden cũng chỉ trích các công ty xăng dầu đang ung dung hưởng lợi từ việc giá xăng dầu cao, để mặc người tiêu dùng chịu gánh nặng.
“Số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ hiện nay ít hơn 250 giàn so với trước đại dịch. Trong khi đó, ngành dầu khí đang nắm quyền thuê 23 triệu mẫu đất công”, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 23/11. “Hơn 9.500 giấy phép khoan tìm dầu đã cấp mà chưa được sử dụng. Ngoài ra, ngành công nghiệp năng lượng cũng đang gặt hái lợi nhuận khổng lồ. Họ đã đạt tới mức lãi cao hơn nhiều so với trước đại dịch. Có thể nói rằng, họ đang lợi dụng thời điểm này”.