September 18, 2021 | 22:36 GMT+7

Mỹ mua thêm hàng trăm triệu liều vaccine Pfizer để quyên góp cho thế giới

Trang Linh -

Hiện Mỹ là quốc gia quyên góp vaccine nhiều nhất thế giới với hơn 114 triệu liều. Kế hoạch mua vaccine này sẽ được công bố vào tuần tới để phù hợp với cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York...

Vaccine Pfizer - Ảnh: AP
Vaccine Pfizer - Ảnh: AP

Tờ Washington Post dẫn nguồn tin thân cận cho biết chính phủ Mỹ dự kiến mua thêm hàng trăm triệu liều vaccine Covid-19 của hãng Pfizer và BioNtech để quyên góp cho các quốc gia khác trên thế giới.

Theo nguồn tin, kế hoạch mua vaccine này sẽ được công bố vào tuần tới để phù hợp với cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến dịch tiêm chủng vaccine toàn cầu nhằm chống lại đại dịch Covid-19. Mỹ dự kiến sẽ có một cuộc họp trực tuyến về Covid-19 bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Theo một tài liệu mà hãng tin Reuters có được, Mỹ đang thúc đẩy các nguyên thủ quốc gia trên thế giới nhằm đạt được mục tiêu chấm dứt đại dịch, trong đó có việc đảm bảo tiêm vaccine cho 70% dân số toàn cầu, vào năm 2022.

Dữ liệu từ Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cho thấy Mỹ hiện là nước viện trợ vaccine Covid-19 lớn nhất thế giới, vượt xa các nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc, Nhật Bản và Anh.

Tính đến ngày 7/9, Mỹ đã quyên góp và chuyển hơn 114 triệu liều vaccine Covid-19 cho khoảng 80 quốc gia trên thế giới, trong đó chủ yếu là nước đang phát triển tại châu Á, châu Phi, Mỹ Latin. Con số này gần gấp ba so với quốc gia đứng thứ hai – Trung Quốc với 34 triệu liều. Theo sau là Nhật với 23,3 triệu liều vaccine đã quyên góp đến nay.

Anh, Pháp, Canada, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Ba Lan quyên góp từ khoảng 1,15 - 6,88 triệu liều mỗi nước.

Các quốc gia châu Á là điểm đến hàng đầu của vaccine viện trợ, với Bangladesh, Philippines, Indonesia và Pakistan mỗi nước đã nhận hơn 10 triệu liều.

Tổng cộng, hơn 207 triệu liều vaccine Covid-19 quyên góp – qua hình thức song phương hoặc qua cơ chế COVAX đã được chuyển cho các nước nhận. Con số này thấp hơn nhiều so với khuyến nghị từ một ủy ban độc lập của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong một báo cáo hồi tháng 5, ủy ban này khuyến nghị các nước thu nhập cao tái phân phối ít nhất 1 tỷ liều vaccine Covid-19 cho các nước thu nhập thấp và trung bình tới ngày 1/9 và 1 tỷ liều nữa vào giữa năm 2022.

Theo một nghiên cứu của hãng phân tích Airfinity, các nước giàu đã mua lượng vaccine nhiều hơn nhu cầu của mình. Airfinity ước tính Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Canada và Nhật sẽ thừa khoảng 1,2 tỷ liều vaccine trong năm 2021 sau khi tiêm đầy đủ cho tất cả người dân đủ điều kiện và tiêm cả liều nhắc lại.

WHO đặt mục tiêu giúp tất cả các quốc gia trên thế giới tiêm vaccine Covid-19 cho ít nhất 10% dân số vào cuối tháng 9, tiếp đó là đạt ít nhất 40% vào cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022. Tuy nhiên, trên thế giới hiện có khoảng 50 quốc gia có tỷ lệ dân số được tiêm ít nhất một liều vaccine ở mức dưới 10%, trong đó chủ yếu ở châu Phi, theo dữ liệu từ Our World in Data. Tính chung cả khu vực, châu Phi hiện chỉ mới tiêm được cho 5,5% dân số, mức thấp nhất toàn cầu.

Các chuyên gia, trong đó có nhà dịch bệnh học nổi tiếng Larry Brilliant, đều nhấn mạnh rằng cần phải phủ vaccine rộng hơn mới có thể hạn chế được các biến thể mới của Covid-19 và chấm dứt đại dịch toàn cầu này.

Tổ chức Economist Intelligence Unit dự báo việc chậm trễ tiêm vaccine có thể khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại 2.300 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2025. Trong đó, 2/3 khoản thiệt hại này rơi vào các nền kinh tế đang phát triển.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate