March 21, 2014 | 07:35 GMT+7

Mỹ-Nga “ăn miếng, trả miếng” trừng phạt

An Huy

Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố: “Không còn nghi ngờ gì nữa: chúng tôi sẽ đáp trả đầy đủ mọi đòn thù”

Đến nay, Tổng thống Mỹ Obama vẫn loại trừ khả năng Mỹ can thiệp vào 
Ukraine bằng quân sự, nói rằng Mỹ sẽ thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao để 
gây áp lực buộc Nga nới lỏng Crimea - Ảnh: Reuters.
Đến nay, Tổng thống Mỹ Obama vẫn loại trừ khả năng Mỹ can thiệp vào Ukraine bằng quân sự, nói rằng Mỹ sẽ thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao để gây áp lực buộc Nga nới lỏng Crimea - Ảnh: Reuters.
Moscow đáp trả đòn trừng phạt của Washington bằng cách tuyên bố cấm visa đối với một loạt quan chức Mỹ. Trước đó chỉ vài phút Nhà Trắng đưa thêm một số tỷ phú của xứ bạch dương vào danh sách những người Nga bị đóng băng tài sản.

Trừng phạt và... trừng phạt

Diễn biến leo thang mới trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine đã được ghi nhận vào ngày hôm qua (20/3), khi Nga ban lệnh cấm visa đối với 9 người Mỹ là các nhà làm luật và quan chức của nước này.

Bộ Ngoại giao Nga công bố danh sách trừng phạt, bao gồm Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Harry Reid, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ đối ngoại thuộc Thượng viện Robert Menendez, ba thượng nghị sỹ John McCain, Mary Landrieu và Dan Coats, và ba nhân viên Nhà Trắng Dan Pfeiffer, Ben Rhodes, và Caroline Atkinson.

“Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo rằng, các lệnh trừng phạt là một công cụ hai lưỡi và sẽ tác động tới nước Mỹ như một chiếc boomerang”, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố. “Không còn nghi ngờ gì nữa: Chúng tôi sẽ đáp trả đầy đủ mọi đòn thù”.

Động thái trên của Moscow được đưa ra chỉ vài phút sau khi Tổng thống Barack Obama ký lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga trong một phản ứng trước việc nước này chiếm Crimea.

Ông Obama tuyên bố, lệnh trừng phạt mới có mục tiêu là ngân hàng Bank Rossiya, vốn được xem là nguồn cung cấp vật chất cho giới lãnh đạo Nga, và 20 cá nhân có liên quan tới việc Crimea gia nhập Nga. Trong số này có tỷ phú Gennady Timchenko, Chủ tịch hãng dầu lửa Gunvor và tỷ phú Vladimir Yakunin, Chủ tịch tập đoàn đường sắt OAO Russian Railways.

“Ngoại giao giữa Mỹ và Nga vẫn tiếp tục. Chúng tôi nhấn mạnh rằng, nước Nga vẫn có một lối khác để đi”, ông Obama nói. “Chúng tôi muốn người dân Ukraine tự quyết định số phận của họ và có quan hệ tốt với Mỹ, Nga, châu Âu, và bất kỳ ai mà họ chọn”.

Trước khi bổ sung trừng phạt vào hôm qua, Mỹ đã cấm visa và đóng băng tài sản đối với một loạt quan chức của Nga và Ukraine vì vai trò trong cuộc khủng hoảng ở Crimea. Liên minh châu Âu cũng áp dụng trừng phạt tương tự với 21 quan chức Nga và Ukraine.

Hãng tin CNBC cho biết, trong một cuộc điện đàm vào hôm qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói với người đồng cấp Mỹ John Kerry rằng: “Quyết định thống nhất Crimea vào Nga là phản ánh ý nguyện của đại đa số người dân Crimea, không phải là chủ đề cần được đem ra xem xét và phải được tôn trọng”.

“Tự hào vì được trừng phạt”


Trong khi đó, Tổng thống nước thành viên EU và NATO Lithuania, bà Dalia Grybauskaitė, hoan nghênh quyết định của Mỹ trừng phạt Nga, nói rằng Tổng thống Obama đã đặt ra một ví dụ. “Tôi cho rằng, nước Mỹ đã rất quyết đoán, cởi mở và làm việc có thể làm với tư cách một đồng minh NATO của chúng tôi, người bạn song phương và đối tác chiến lược của chúng tôi… Đây là một ví dụ hoàn hảo để châu Âu làm theo”.

Đến nay, Tổng thống Mỹ Obama vẫn loại trừ khả năng Mỹ can thiệp vào Ukraine bằng quân sự, nói rằng Mỹ sẽ thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao để gây áp lực buộc Nga nới lỏng Crimea. “Có một lối đi tốt hơn, nhưng tôi nghĩ ngay cả người Ukraine cũng thừa nhận rằng, việc dùng đến biện pháp quân sự là không phù hợp đối với chúng tôi và đối với cả Ukraine”, ông Obama nói hôm 19/3.

Hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ Kerry tuyên bố hy vọng sẽ gặp người đồng cấp Nga vào tuần tới ở châu Âu để tiếp tục thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine.

Phản ứng trước lệnh trừng phạt áp vào mình, tỷ phú Yakunin của Nga và thượng nghị sỹ McCain của Mỹ cùng xem đây là một “vinh dự”. “Tôi cảm thấy không thoải mái khi nhiều người bạn của tôi có tên trong danh sách này. Nhưng đối với tôi thì không. Tôi cảm thấy bình yên”, ông Yakunin trả lời phỏng vấn của hãng tin Bloomberg qua điện thoại.

Ông McCain viết trên mạng Twitter: “Tôi tự hào vì được ông Putin trừng phạt”.

Nhiều nhân vật có tên trong danh sách trừng phạt của hai bên đều tỏ ra không “hề hấn gì” và đưa ra những lời lẽ mang tính “trêu người” để phản ứng. Ông Andrei Fursenko, cố vấn của Tổng thống Putin về khoa học và giáo dục, nói trong một cuộc phỏng vấn rằng, ông không hề có tài sản ở Mỹ, và Washington đưa ông vào danh sách trừng phạt chỉ vì “càng trừng phạt nhiều càng vui”.

Ông Fredrik Erixon, Giám đốc Trung tâm châu Âu về Kinh tế chính trị Quốc tế ở Brussels, cho rằng, việc Mỹ và Nga trừng phạt lẫn nhau chỉ nhằm mục đích tăng cường niềm tin ở trong nước. “Chắc chắn các lệnh trừng phạt này sẽ không ảnh hưởng gì tới những người như John McCain hay John Boehner. Tôi không nghĩ là ai trong số này định làm một chuyến thăm tới Nga”, ông Erixon nói.

Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã “cười nhạo” Tổng thống Obama trên mạng xã hội sau khi bị đưa vào danh sách trừng phạt của Mỹ. “Tôi nghĩ một tên hề nào đó đã soạn thảo quyết định này của Tổng thống Mỹ. Đồng chí Obama, những người không có tài khoản hay tài sản ở nước ngoài thì làm sao? Hay ông chưa nghĩ tới điều đó”.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Boehner tuyên bố “tự hào được có tên trong danh sách những người sẵn sàng chống lại sự gây hấn của Putin”.

Tuy thừa nhận tính hài hước trong nhiều bình luận, chuyên gia Erixon nói rằng, cơn bão truyền thông này cũng mang một thông điệp nghiêm trọng về cuộc khủng hoảng Crimea. “Những lệnh trừng phạt đến nay không có nhiều ý nghĩa và có thể bị xem như chuyện đùa. Điều này chắc chắn không giúp ích gì cho Ukraine”, ông Erixon nói.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate