Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/1 ra kết luận sau cuộc điều tra thương mại đối với Việt Nam, theo đó quyết định chưa áp thuế quan trừng phạt lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Tháng 12 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ dán nhãn "thao túng tỷ giá" lên Việt Nam với lý do thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ ngày càng gia tăng, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam lớn, và cho rằng Việt Nam can thiệp vào thị trường ngoại hối để giữ tỷ giá tiền đồng ở mức thấp.
Giới doanh nghiệp và chuyên gia thương mại lo ngại rằng động thái này sẽ dẫn tới việc Mỹ áp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sau khi Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) hoàn tất cuộc điều tra đối với Việt Nam.
Hoàn tất cuộc điều tra kéo dài từ tháng 10 năm ngoái, USTR cho biết đã tham vấn Bộ Tài chính Việt Nam về chính sách tỷ giá. Tuyên bố của USTR ngày 15/1 nói rằng "những hành động và chính sách không công bằng đã dẫn tới sự suy giảm tỷ giá tiền tệ, gây ảnh hưởng bất lợi với người lao động và doanh nghiệp Mỹ. Tôi hy vọng rằng Mỹ và Việt Nam có thể tìm ra một hướng đi để giải quyết mối quan ngại của Mỹ".
Cuộc điều tra theo Điều 301 trong luật thương mại Mỹ đối với Việt Nam cũng chính là công cụ mà USTR đã sử dụng để mở đường cho việc áp thuế lên 370 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ mỗi năm. Chính việc Mỹ áp thuế lên hàng Trung Quốc đã dẫn tới sự dịch chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam - một nguyên nhân khiến thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ tăng.
Quyết định của USTR chưa áp thuế lên hàng hóa Việt Nam tạo dư địa cho bà Katherine Tai - người được Tổng thống đắc cử Joe Biden chọn cho vị trí Đại diện thương mại Mỹ - để quyết định hướng đi với Việt Nam, hãng tin Reuters nhận định.