Hải quân Mỹ đang chuẩn bị cử một chiến hạm tới khu vực giới hạn 12 hải lý kể từ chuỗi đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên biển Đông, tờ USA Today dẫn lời quan chức quốc phòng Mỹ cho hay.
Động thái này có thể diễn ra trong vài ngày nữa, nhưng đang chờ sự phê chuẩn cuối cùng từ Tổng thống Barack Obama.
Kế hoạch Mỹ cử một chiến hạm tới khu vực đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép trên biển Đông đã được đồn đoán từ hồi tháng 5. Ba quan chức Lầu Năm Góc tiết lộ với tờ báo Navy Times rằng khả năng thông qua kế hoạch này đang tới rất gần.
Nếu kế hoạch trên được phê chuẩn, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 2012 hải quân Mỹ trực tiếp thách thức tuyên bố chủ quyền vô căn cứ của Trung Quốc trên biển Đông, bằng cách tiến vào khu vực 12 hải lý từ đảo Trung Quốc xây dựng trái phép.
Một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ từ chối trả lời câu hỏi liên quan đến kế hoạch nói trên, nhưng nhắc đến một phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc vào tuần trước.
Khi đó, ông Obama nói Mỹ “có lợi ích trong việc duy trì các nguyên tắc cơ bản của tự do hàng hải và dòng chảy tự do của thương mại, cũng như giải quyết các tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế thay vì vũ lực”.
Phát ngôn viên Bill Urban của Lầu Năm Góc cũng từ chối bình luận về thông tin trên, đồng thời nhắc đến phát biểu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ash Carter hôm 1/9 nói “chiến hạm và máy bay quân sự Mỹ hoạt động ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, và chúng tôi sẽ làm việc này trên khắp thế giới”.
Thông tin tàu chiến Mỹ sắp tới gần đảo nhân tạo trên biển Đông được đưa ra chỉ một ngày sau khi đô sốc Scott Swift, chỉ huy hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương, nói rằng “một số quốc gia” đang có cách hành xử không đúng với luật pháp quốc tế - một sự ám chỉ không khó hiểu về hành động của Trung Quốc trên biển Đông.
“Tôi có cảm giác một số quốc gia xem tự do trên biển là thứ có thể giành giật, một thứ gì đó có thể gỡ bỏ và định nghĩa lại bằng luật của riêng họ, hoặc bằng cách diễn giải lại luật quốc tế”, đô đốc Swift nói.
“Một số quốc gia tiếp tục đưa ra những cảnh báo và hạn chế thừa thãi đối với tự do hàng hải ở khu vực mà họ cho là vùng đặc quyền kinh tế và lãnh thổ của họ, nhưng không phù hợp với Công ước của Liên hiệp quốc về luật biển (UNCLOS). Xu hướng này đặc biệt đáng lo ngại ở những vùng biển có tranh chấp”, vị đô đốc phát biểu.
Tháng 9 vừa qua, ông David Shear, trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện rằng máy bay và tàu của Hải quân Mỹ chưa khi nào đi vào khu vực trong phạm vi 12 hải lý kể từ đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trên biển Đông kể từ năm 2012 - thời điểm mà Trung Quốc bắt đầu dự án xây dựng trái phép đảo nhân tạo ở khu vực này.
Cùng ngày hôm đó, một nhóm gồm 29 nghị sỹ Mỹ đã gửi một lá thư trong đó gọi việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên biển Đông là sự đe dọa đối với tự do hàng hải và trật tự hòa bình của thế giới kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate