Các chỉ số như GDP thường được dùng để hiểu về tài sản nói chung và quy mô của một nền kinh tế. Bên cạnh việc xem xét dữ liệu về sản lượng kinh tế trong một năm, cũng có những cách khác để đánh giá sự giàu có của một quốc gia. Một trong số đó là tài sản hộ gia đình.
Dựa trên dữ liệu từ Báo cáo Tài sản Toàn cầu thường niên năm 2022 của ngân hàng Credit Suisse, biểu đồ thông tin dưới đây cho thấy người dân tại một quốc gia, vùng lãnh thổ đang nắm giữ bao nhiêu tài sản và chiếm tỷ trong bao nhiêu trong tổng tài sản 463 nghìn tỷ USD của các hộ gia đình toàn cầu.
Từ biểu đồ có thể thấy, phần lớn tài sản trên thế giới tập trung tại các nền kinh tế lớn nhất. Hiện tại, các quốc gia trong top 10 nắm giữ tới 75% tổng tài sản toàn cầu. Trong đó, riêng Mỹ và Trung Quốc nắm một nửa tổng tài sản của hộ gia đình toàn cầu (lần lượt chiếm 31,5% và 18,5%).
Tỷ trọng này có sự khác biệt khi sử dụng GDP danh nghĩa để đo tỷ trọng của hai nền kinh tế này trong tổng quy mô kinh tế toàn cầu. Với phương pháp này, Mỹ và Trung Quốc chiếm tỷ trọng 24% và 19% nền kinh tế toàn cầu.
Một trong những thay đổi lớn nhất những năm gần đây là sự gia tăng tài sản ở Trung Quốc. Một thập kỷ trước, các hộ gia đình Trung Quốc chỉ nắm khoảng 9% tổng tài sản toàn cầu. Nhưng con số này hiện tăng gấp hơn 2 lần. Trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2021, tài sản trung bình tại Trung Quốc tăng vọt từ 3.111 USD lên 26.752 USD.
Xét theo khu vực, tài sản toàn cầu được tập trung lớn ở Bắc Mỹ và châu Á. Chỉ trong một thập kỷ, tỷ trọng của châu Âu đã giảm 8 điểm phần trăm, một phần do sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong khi đó, các hộ gia đình ở châu Phi, Nam Mỹ, châu Đại Dương và Trung Đông tổng cộng chỉ chiếm khoảng 11% trong tổng tài sản toàn cầu.