Hỏi chuyện ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam về những ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế Mỹ đến đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam
Ông cho biết vị thế của thị trường Mỹ đối với đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam?
Mỹ là thị trường tiêu thụ mạnh đồ gỗ. Hàng năm, người tiêu dùng Mỹ tiêu thụ khoảng 75 tỷ USD cho đồ gỗ.
Theo số liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, Việt Nam xếp thứ 5 trong các quốc gia xuất khẩu đồ gỗ vào Mỹ, sau các nước Trung quốc, Canada, Mehico và Italia. Riêng 5 quốc gia đứng đầu về xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ đã chiến đến 80% tổng kim ngạch nhập khẩu đồ gỗ của quốc gia này.
Đối với đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam, Mỹ là thị trường lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh, đặc biệt từ sau thời điểm Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ có hiệu lực (ngày 10/12/2001).
Nếu như năm 2002, Việt Nam xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ chỉ đạt 44,7 triệu USD thì đến năm 2007, con số này đã lên đến 1,1 tỷ USD, tức là tăng gấp 27 lần sau 6 năm. Tuy rằng trong vài năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của thị trường này có chậm lại, nhưng vẫn đạt tốc độ tăng cao hơn các thị trường quan trọng khác như Nhật và EU.
Năm 2007, đồ gỗ đứng thứ 3 trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ. Thị trường này hiện nay chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam.
Sự tăng trưởng này là do những nguyên nhân gì?
Như tôi đã nói ở trên, lý do có sự tăng trưởng mạnh đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ là do nhu cầu tiêu thụ lớn và đang tiếp tục tăng lên của thị trường này. Thêm vào đó, sản phẩm của Việt Nam cũng được người Mỹ ưu chuộng do mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá cạnh tranh.
Thứ hai là một loạt các nước xuất khẩu vào Mỹ đang có dấu hiệu giảm sút thị phần. Trung Quốc và Canada thì đang chịu mức thuế chống phá giá nên một số mặt hàng khó cạnh tranh về giá với sản phẩm từ Việt Nam. Ngay cả Mehico cũng giảm. Indonesia, nước đứng thứ 8 trong các quốc gia xuất khẩu đồ gỗ vào Mỹ với 2% thị phần, cũng chuyển hướng sang thị trường khác do chất lượng khó cạnh tranh với các nước “chiếu trên”.
Thứ ba, công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm đã phát huy tác dụng. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã tiếp cận với thị trường này và mở đại lý tại đây. Gần đây nhất, Trường Thành đã có đại lý tại Mỹ, nhưng trước đó, các doanh nghiệp như Đức Thành, Khải Vy, Mỹ Tài đã xây dựng đại lý tại thị trường này.
Các doanh nghiệp hiện nay đã nắm chắc được các bạn hàng tại Mỹ. Uy tín kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam đã được nâng lên, bạn hàng đã nhập những đơn hàng lớn.
Suy thoái kinh tế Mỹ sẽ ảnh hưởng thế nào đến các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam, thưa ông?
Tôi có thể khẳng định là ngành gỗ Việt Nam không chịu ảnh hưởng từ cơn suy thoái này. Tôi đã nói điều này trước nhiều cuộc hội thảo và Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên đồng ý với tôi.
Theo các doanh nghiệp cho biết, việc ký kết hợp đồng với Mỹ vẫn rất thuận lợi, tiêu thụ mặt hàng này không giảm. Một số doanh nghiệp lớn đã đạt được hợp đồng cho cả năm 2008. Mặt hàng nội thất phòng ngủ là nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao lại có xu hướng tăng lên.
Theo kinh nghiệm của tôi, xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ thường chỉ tăng mạnh vào quý 3 và quý 4. Trong nửa đầu năm, các doanh nghiệp thường tập trung vào việc chuẩn bị nguyên liệu và sản xuất. Và cũng nhiều ý kiến cho rằng đến quý 3, nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi.
Với mục tiêu xuất khẩu đồ gỗ đạt 3 tỷ USD trong năm nay, Mỹ dự kiến sẽ chiếm khoảng 1,3 tỷ USD. Như vậy, Mỹ vẫn là thị trường chủ lực của đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam.
Còn những vấn đề gì cản trở tăng trưởng xuất khẩu đồ gỗ vào Mỹ?
Trong ngắn hạn, việc chúng tôi lo nhất là thiếu tiền. Với 4,5 triệu m3 gỗ nhập khẩu, năm 2007 các doanh nghiệp đã phải vay khoảng 800 triệu USD. Để đạt được mục tiêu đề ra của năm nay, số tiền doanh nghiệp phải vay từ các ngân hàng sẽ khoảng 1 tỷ USD.
Ngoài các doanh nghiệp FDI có nguồn vay từ nước ngoài, doanh nghiệp trong nước chỉ còn biết trông chờ vào các ngân hàng thương mại cổ phần. Theo tôi được biết, một sự án vay vốn ngân hàng, thời gian xét duyệt mất khoảng từ 2 đến 3 tháng. Điều này rất bất lợi cho các doanh nghiệp.
Về dài hạn, vấn đề hiện nay của ngành gỗ là thiếu công nhân lành nghề và yếu về trình độ quản lý của chủ doanh nghiệp.
Công nhân lành nghề đặc biệt thiếu. Việc đào tạo nghề gỗ hiện nay đang đổ hết lên đầu doanh nghiệp. Trong khi đó, ở hầu hết các doanh nghiệp trong nước, lãnh đạo rất yếu về ngoại ngữ, kỹ năng quản lý cũng kém. Trong khoảng 2000 doanh nghiệp ngành gỗ, chưa đến 10% có chứng chỉ ISO. Đa số các doanh nghiệp, hệ thống sổ sách, số liệu chưa đạt tiêu chuẩn.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate