December 26, 2012 | 16:12 GMT+7

Năm 2013 và “cơ may” của nền kinh tế

Nguyên Thảo

Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược so sánh bối cảnh đổi mới năm 1986 và tình hình hiện nay

Ông Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới, cựu thành viên ban nghiên cứu của Thủ tướng.
Ông Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới, cựu thành viên ban nghiên cứu của Thủ tướng.
Tôi vốn không phải người bi quan mà cũng không nhìn thấy điểm sáng rõ nét nào cho 2013. Song, nếu sang năm mà tình hình xấu hơn thì có khi lại là cơ may”, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược nói với VnEconomy.
 

“Cơ may”, theo giải thích của ông Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới, cựu thành viên ban nghiên cứu của Thủ tướng, là thường chỉ khi nào bị đẩy đến chân tường, thì động lực đổi mới mới thực sự mạnh mẽ.
 
Nhắc lại không khí của những năm giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước, ông Lược (lúc ấy đang là thành viên nhóm tư vấn cho Tổng bí thư Trường Chinh - PV) nói, “năm 1986, lạm phát lên đến trên 700%, các chuyên gia kinh tế được Bộ Chính trị mời đến khá thường xuyên, có lúc các anh ấy dành cả ngày để nghe ý kiến của chúng tôi. Năm ấy, nguy cơ đổ vỡ cũng rất lớn”.
 
Thưa ông, có vị nói vui là, khi nào nền kinh tế khó khăn thì các chuyên gia kinh tế lại “đắt hàng”, nhưng hình như dấu ấn chuyên gia ở 2012 lại không rõ nét bằng năm trước đó?
 

Đúng là thế, nhưng cũng dễ hiểu thôi mà. Tình hình vẫn vậy, chưa có chuyển biến gì nhiều thì nghe mãi vẫn thế thôi. Hơn nữa, 2011 là năm có nhiều đề án, nhất là các đề án thành phần của tái cơ cấu nền kinh tế chuẩn bị trình, nên cần nhiều ý kiến tham góp.
 
Vâng, cũng có thể là vậy, nhưng tiếng nói của các chuyên gia độc lập thiết tưởng rất cần trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn này chứ ạ?
 
Tất nhiên là thế rồi, nhưng ở Việt Nam chuyên gia thực sự độc lập, tức là không gắn với nhóm lợi ích nào, cũng không có nhiều. Trong khi khả năng lobby của các nhóm lợi ích rất mạnh, không phải bây giờ mà ngay cả khi tôi còn làm tư vấn cho nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, thì cũng đã có nhiều anh vận động rất dữ, khi chính sách mới nào đó được xây dựng. Vậy nên ý kiến chuyên gia hay tư vấn rất cần, song quan trọng nhất vẫn là bản lĩnh người ra quyết định.
 
Tôi còn nhớ vào năm 1989, ông Đỗ Mười giao cho tôi xây dựng đề án chống lạm phát. Sau khi trình, dù ý ông đã khá thuận, song ông vẫn yêu cầu tôi cùng với Bộ Tài chính họp lấy ý kiến của tất cả các cơ quan liên quan.

Cuộc họp có mặt hơn 100 người, sau một ngày tranh cãi không một ai đồng ý với đề án hết. Tôi báo cáo lại với ông Đỗ Mười là “không ai đồng ý cả, vậy ý anh thế nào?”. Ông nói, không ai đồng ý thì tôi thí điểm ở Hải Phòng trước. Sau đó một tháng, kết quả thí điểm rất tốt, đề án đã được áp dụng trên cả nước.
 
Vậy nên, tôi vẫn muốn nói là tư vấn rất quan trọng, song quan trọng hơn là người được tư vấn có đủ bản lĩnh để lắng nghe ý kiến đúng trong rất nhiều quan điểm khác nhau - mà đôi khi chân lý không thuộc về số đông - và cho thực thi hay không.
 
Hơn nữa, tình hình ở ta bây giờ phức tạp quá, các nhóm lợi ích, hiểu theo nghĩa không tích cực, đã phát triển rất mạnh. Vì thế, tư vấn các giải pháp phải vượt trên các nhóm lợi ích đó thì quá khó.
 
Phải chăng đó chính là một nguyên nhân quan trọng làm cho tình hình kinh tế - xã hội xấu đi, thưa ông?
 

Đại đa số ý kiến mà tôi nghe được đều có cảm nhận giống nhau là tình hình kinh tế xã hội xấu nhất từ khi “đổi mới” đến nay.

Ai cũng thấy doanh nghiệp gặp khó trầm trọng, cục nợ xấu ngày càng to ra, hàng tồn kho có vẻ giảm đi nhưng thực chất là do nhiều doanh nghiệp đã chết nên sản xuất đình trệ. Ngân hàng cũng đang điêu đứng và nhiều nguy cơ đổ vỡ, mà nếu đổ vỡ thì bi kịch lớn hơn hiện nay rất nhiều.
 
Bên cạnh đó còn một loạt chuyện bức xúc trong xã hội, như các vụ kiện cáo rùm beng về đất đai. Bức tranh u ám như vậy nhưng các giải pháp đưa ra chưa đủ để đem lại niềm tin là có thể cải thiện được tình hình. Cơ quan xử lý nợ xấu chưa hoạt động gì, bất động sản đóng băng nhưng giải pháp lại chưa rõ thì làm sao mà làm được, khó lắm.
 
Doanh nghiệp nhà nước, khu vực mà theo tôi đang có đại vấn đề lại càng không có giải pháp nào hữu hiệu, trong khi chỉ riêng khu vực này đang nắm 1,3 triệu tỷ dư nợ tín dụng mà cứ kiểm toán chỗ nào là chỗ đó có vấn đề, nợ nần đều chồng chất cả.
 
Khó nữa là mô hình phát triển theo chiều rộng của Việt Nam đã hết “đát” rồi, tài nguyên hết đến nơi, lao động rẻ cũng không còn nhiều. Có hai thứ để tăng trưởng bền vững là đổi mới thể chế và sáng tạo thì cả hai cái đó đều yếu kém.
 
Trong khi đó tham nhũng sờ đâu cũng thấy. Vừa rồi Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã được đưa về Bộ Chính trị, nhưng cơ quan giúp việc cho Tổng bí thư có đủ mạnh để đảm bảo rằng có thể thực thi nhiệm vụ một cách khách quan hay không thì lại là vấn đề.
 
Tôi cho rằng, chống tham nhũng phải bằng thể chế chứ điều tra thế nào cho xuể được trong tình hình hiện nay. Mà trong các thể chế thì thể chế thị trường là quan trọng nhất, chỗ nào không có thị trường thực sự thì chỗ đó tham nhũng mạnh nhất và ngược lại.
 
Bởi thế, chốt của xử lý vấn đề hiện nay là đổi mới thể chế. Vì, giả sử nợ xấu xử lý xong, rồi nợ xấu lại sẽ tiếp tục được đẻ ra, vậy làm gì để xử được cái nguyên nhân đẻ ra nợ xấu đó mới là quan trọng. Quan trọng nhất là hiện đại hóa thể chế, trong đó thể chế kinh tế phải làm trước. Muốn làm được điều này thì phải đổi mới từ tư duy và quan điểm phát triển trong Đảng.
 
Điều này có liên hệ thế nào với “cơ may” mà ông đã đề cập ở trên?
 
Hiện nay nếu không có bước ngoặt mới thì những yếu kém của kinh tế, xã hội sẽ không xử lý được. Tôi vốn không phải người bi quan mà cũng không nhìn thấy điểm sáng rõ nét nào cho 2013. Song, nếu sang năm mà tình hình xấu hơn thì có khi lại là cơ may cho đất nước.
 
Nhưng có thể, “cơ may” này chưa đến ngay năm sau đâu, nếu tình hình như hiện nay hoặc chỉ xấu hơn một chút còn dằng dai thêm vài năm nữa. Bởi ở Việt Nam, khu vực kinh tế không chính thức rất lớn - chiếm đến 70% - chưa bị tác động quá lớn. Hiện tại khi về nông thôn vẫn thấy mọi chuyện khá yên ả, sự sa sút là có, nhưng không rõ nét bằng thành thị. Bên cạnh đó thì sức chịu đựng của người Việt rất lớn, nên dù không có cơ sở nào để có thể đưa ra dự báo sáng hơn cho 2013, thì tôi cũng chưa chắc chắn là “cơ may” đã tới.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate