January 07, 2021 | 10:55 GMT+7

Năm 2020 Việt Nam xuất siêu kỷ lục, nhiều mặt hàng vượt chục tỷ USD

AN NHIÊN

Năm 2020, xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục gần 19,1 tỷ USD, có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD

Số liệu: Bộ Công Thương.
Số liệu: Bộ Công Thương.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với năm trước, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng dương, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.

Quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2011 có 21 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 81% tổng kim ngạch xuất khẩu; năm 2016 tăng lên thành 25 mặt hàng với tỷ trọng chiếm khoảng 88,7%. Đến năm 2020 là 31 mặt hàng trong đó có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc…, tận dụng được hiệu quả các FTA như EVFTA, CPTPP.

Việt Nam xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ (xuất siêu gần 62,7 tỷ USD); EU (xuất siêu gần 20,3 tỷ USD). 

Riêng đối với thị trường EU, cả năm 2020, xuất khẩu sang thị trường EU 34,94 tỷ USD giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2019 do các tác động của đại dịch. Tuy nhiên, sau 5 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, xuất khẩu sang thị trường EU đạt khoảng 15,38 tỷ USD, tăng khoảng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi, điển hình như thủy sản, tôm, gạo… 

Đối với thị trường các nước CPTPP, kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tích cực. Năm 2020, xuất khẩu sang Canađa duy trì mức tăng trưởng dương, đạt 4,35 tỷ USD, tăng 11,9%; xuất khẩu sang Mexico đạt 3,17 tỷ USD, tăng 12,2%... 

Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng từ 174,8 tỷ USD năm 2016 lên 253,4 tỷ USD năm 2019 và đạt khoảng 262,4 tỷ USD vào năm 2020 tăng 3,6% so với năm 2019. Tăng trưởng nhập khẩu giai đoạn 2016-2020 đạt trung bình 9,6%/năm. 

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn đạt khoảng 543,9 tỷ USD. 

Năm 2020, xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục gần 19,1 tỷ USD. Mức thặng dư năm 2020 cao hơn mức thặng dư năm 2019 (10,87 tỷ USD), cao hơn mức thặng dư năm 2018 (6,83 tỷ USD), gấp hơn 9 lần so với mức thặng dư năm 2017 (2,11 tỷ USD) và gấp gần 11 lần so với mức thặng dư năm 2016 (1,78 tỷ USD). 

Mặc dù đạt nhiều thành tựu song Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sụt giảm do gặp khó khăn về thị trường và giá bán. Nhiều mặt hàng dù đã được nước ngoài giảm thuế về 0% nhưng một số nông sản của Việt Nam vẫn chưa được phép nhập khẩu vào một số thị trường.

Tình hình thế giới đang có những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, các nước ngày càng gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại, bảo hộ sản xuất trong nước. Trong năm 2020, Việt Nam đã ghi nhận 39 vụ việc khởi xướng điều tra mới, tăng gần 2,5 lần so với năm 2019. 

Xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Mặc dù tỷ trọng giá trị xuất khẩu của khối FDI đã giảm trong thời gian qua nhưng vẫn chiếm trên 64% tổng giá trị xuất khẩu cả nước. Do sản xuất và xuất khẩu của khối này phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu nên mỗi khi có biến động xảy ra đối với chuỗi cung ứng, xuất khẩu sẽ chịu tác động mạnh. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate