January 06, 2022 | 16:56 GMT+7

Năm 2022, dự toán bội chi ngân sách 4% GDP

Trâm Anh -

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngành tài chính điều hành thu chi năm 2022 "thắt lưng buộc bụng", đa dạng nguồn thu và dự toán sát thực tế...

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị tổng kết ngành tài chính.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị tổng kết ngành tài chính.

Ngày 6/1/2022, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị. 

CHI NGÂN SÁCH CHẶT CHẼ, TÌM GIẢI PHÁP TĂNG THU 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của ngành tài chính đối với thành tựu chung của cả nước trong năm 2021 đầy khó khăn.

“Trong điều kiện khó khăn, thu ngân sách tăng hơn so với năm ngoái là kết quả rất đáng phấn khởi. Ngành tài chính đi tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh thực hiện hóa đơn điện tử hỗ trợ doanh nghiệp", Thủ tướng đánh giá.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế của ngành. Cụ thể, vốn đầu tư công giải ngân chậm. Thu ngân sách tăng so với năm 2020 nhưng chưa cao, nhiều khoản thu chưa bền vững như tăng thu từ chứng khoán, bất động sản, dầu thô... "Việc xây dựng dự toán đã sát tình hình chưa là vấn đề phải suy nghĩ và có giải pháp hạn chế rủi ro, đa dạng hóa nguồn thu", Thủ tướng lưu ý.

Bên cạnh đó, một số hạn chế khác cũng được nhắc tới như: áp lực thâm hụt ngân sách gia tăng. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng 18% so với năm trước, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Nợ thuế, trốn thuế có xu hướng tăng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao đổi với lãnh đạo Bộ Tài chính. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao đổi với lãnh đạo Bộ Tài chính. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bước sang năm 2022, tình hình phát triển kinh tế, xã hội có cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức, trong đó khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đề ra phương châm hành động cho năm 2022 là “Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”. Ngành tài chính cần căn cứ phương châm này để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2022 và trong thời gian tới.

 

"Tìm mọi biện pháp tăng thu, giảm chi, nhất là những khoản chi không cần thiết, trong lúc này phải "thắt lưng buộc bụng". Đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, tập trung nguồn lực ưu tiên cho phòng, chống dịch Covid-19, các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế".

Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu năm 2022, ngành Tài chính tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu chiến lược, bám sát thực tiễn, điều chỉnh các công việc trong thực hiện nhiệm vụ chưa dự báo được, chủ động thích ứng, đảm bảo an toàn nền tài chính quốc gia, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển các thị trường tài chính, bên cạnh đó khắc phục có hiệu quả các hạn chế.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, ngành tài chính phải tổ chức điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2022 chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, nhất là giảm chi đối với những khoản chi không thực sự cần thiết.

"Dòng vốn tín dụng và dòng tiền ngân sách phải đi vào đúng chỗ, kích thích, tạo động lực mới cho nền kinh tế", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước, kiểm soát tốt nợ công, tập trung chống thất thu thuế, gian lận thương mại.

Làm tốt công tác quản lý tài sản công, quản lý đất đai trong cổ phần hóa doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm mang tính dài hạn, minh bạch và bền vững.

Thủ tướng Chính phủ mong muốn và tin tưởng ngành tài chính tiếp tục vượt qua khó khăn, thác thức, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính – ngân sách Nhà nước năm 2022 với kết quả cao hơn năm 2021, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ kính yêu tặng cho ngành Tài chính “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

THU NGÂN SÁCH VƯỢT DỰ TOÁN GẦN 220.000 TỶ

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, thu ngân sách nhà nước năm 2021 ước đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, bằng 116,4% dự toán, tương ứng vượt 219,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020.

Trong đó, chủ yếu tăng thu từ dầu thô, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và thu tiền sử dụng đất. Thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh vượt 14,5% dự toán, tăng 11,3% so với thực hiện năm 2020. Tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước đạt 18,6% GDP, vượt mục tiêu 15,5%GDP. 

Thu ngân sách trung ương ước đạt 106,7% dự toán. Thu ngân sách địa phương ước đạt 128,2% dự toán.

Bên cạnh đó, nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước năm 2021 cũng cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra. Chi ngân sách nhà nước năm 2021 ước đạt 1.879 nghìn tỷ đồng, bằng 111,4% dự toán.

 

"Ngân sách nhà nước chi 74 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Đồng thời, xuất cấp 141,97 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở 33 địa phương".

Bộ Tài chính.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước đảm bảo chủ động, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tập trung ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021.

Đồng thời, thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Đáng chú ý, thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19, với số tiền huy động đến hết ngày 31/12/2021 đạt 8.803 tỷ đồng. Bộ Tài chính cũng trình Quốc hội cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2021 và 2022…

Riêng tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển thấp hơn năm trước, ước đến hết 31/12/2021 đạt 74,7% dự toán Quốc hội quyết định, đạt 77,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao trong khi năm 2020 đạt 82,66%.

Như vậy, năm 2021, ngân sách nhà nước bội chi 315,7 nghìn tỷ đồng. Bộ Tài chính chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước. Lũy kế đến ngày 31/12/2021 thực hiện phát hành được 318,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 13,92 năm, lãi suất bình quân 2,3%/năm.

Cùng với điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả, Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ nợ công, tiếp tục tái cơ cấu nợ công theo hướng bền vững. Đến cuối năm 2021, dư nợ công khoảng 43,7% GDP, nợ Chính phủ khoảng 39,5% GDP, dư nợ vay nước ngoài quốc gia khoảng 39% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của chính phủ dưới 23% tổng thu ngân sách nhà nước, trong phạm vi giới hạn an toàn cho phép. 

 

Về nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán thu 1.411,7 ngàn tỷ đồng, dự toán chi 1.784,6 ngàn tỷ đồng, dự toán bội chi mức 4% GDP; mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt từ 6 - 6,5%, kiểm soát lạm phát trong phạm vi 4%. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate