Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG-HOSE) vừa công bố giải trình biến động kết quả kinh doanh và ý kiến nhấn mạnh của kiểm toán viên trên Báo cáo tài chính Hợp nhất năm 2021 đã được kiểm toán.
Cụ thể: lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2021 đã kiểm toán đạt 127,6 tỷ đồng - trong khi cùng kỳ năm ngoài, công ty báo lỗ 2.383 tỷ đồng.
HAG cho nguyên nhân chênh lệch chủ yếu là do lợi nhuận gộp tăng 301,24 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu do giá vốn trái cây trong năm 2021 giảm so với năm 2020. Bên cạnh đó, hoạt động bán heo cũng mang lại nhiều lợi nhuận cho Tập đoàn; Doanh thu hoạt động tài chính giảm 552,3 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu là do trong năm 2021 lãi từ thanh lý các khoản đầu tư giảm so với năm 2020.
Ngoài ra, chi phí tài chính giảm 227,8 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu là do chi phí lãi vay giảm; Chi phí bán hàng giảm 225,3 tỷ đồng, chủ yếu do Tập đoàn không còn hợp nhất Nhóm các công ty HNG.
Đồng thời, chi phí quản lý giảm 2.025,5 tỷ đồng, nguyên nhân biến động chủ yếu là do trong năm 2020 Tập đoàn trích lập dự phòng liên quan đến các khoản công nợ phải thu.
Mặt khác, thu nhập thuế thu nhập hoãn lại tăng 287,54 tỷ đồng, chủ yếu tạo ra bởi nghiệp vụ thanh lý Nhóm HNG trong năm 2021 và chênh lệch giá trị hợp lý của tài sản trong hợp nhất kinh doanh khi mua Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai.
Về giải trình ý kiến nhấn mạnh trong Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 đã được kiểm toán, HAG cho biết, trong Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 đã được kiểm toán, kiểm toán viên có nhấn mạnh đến khoản lỗ lũy kế của Tập đoàn là hơn 4.467 tỷ đồng. Điều kiện này cùng với những vấn đề khác được nêu trong Thuyết minh số 2.6 cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
Tại ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất này, Tập đoàn đã lập kế hoạch cho 12 tháng tiếp theo bao gồm dòng tiền dự kiến sẽ được tạo ra từ việc thanh lý các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai. Tập đoàn cũng đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về việc điều chỉnh các điều khoản đâ bị vi phạm của các hợp đồng vay có liên quan. Theo đó, Tập đoàn có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong kỳ kế toán tiếp theo. Dựa trên các cơ sở này, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn tiến hành lập báo cáo tài chính hợp nhất trên cơ sở đáp ứng giả định hoạt động liên tục.
Bên cạnh đó, Tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu năm 2022 sẽ được nâng lên mức hơn 4.800 tỳ đồng và mức lợi nhuận sau thuế đạt 1.120 tỷ đồng và Tập đoàn cũng sẽ thực hiện phát hành cổ phần riêng lẻ để huy động vốn chủ sở hữu đầu tư vào ngành chuối và chăn nuôi heo.
Theo HAG, giải pháp này sẽ giúp tăng hệ sổ an toàn tài chính, đầu tư gia tăng tài sản sinh lợi, qua đó tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh và giảm rủi ro.
Mới đây, Chủ tịch HAG, ông Đoàn Nguyên Đức đã có thông điệp gửi cổ đông, nhà đầu tư, ngân hàng và đối tác năm 2022.
Qua đó, ông Đức cho biết, năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình SXKD trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá cả các các yếu tố sản xuất đầu vào tăng cao trong khi giá bán nông sản chưa tăng tương xứng, làm cho SXKD ngành nông nghiệp gặp nhiều thách thức.
Trong bối cảnh đó, HĐQT và Ban Tổng Giám đốc tiếp tục kiên định theo đuổi phương châm tái cấu trúc, tinh gọn SXKD và giảm bớt nợ vay, thích ứng với tình hình phức tạp khó lường của môi trường kinh doanh.
Về chiến lược tái cấu trúc kinh doanh, Tập đoàn tập trung vào hai lĩnh vực chính là cây ăn trái và chăn nuôi heo. Diện tích cây ăn trái theo kế hoạch là 10.000 ha, trong đó cây chuối chiếm 7.000 ha (đến cuối năm 2021 HAGL đã trồng được 5.000 ha, sang năm 2022 sẽ trồng thêm 2.000 ha).
Đối với ngành chăn nuôi heo thì đến cuối năm 2021 HAGL đã xây dựng được 7 cụm chuồng trại với công suất nuôi khoảng 400.000 con heo thịt mỗi năm (mỗi cụm chuồng trại nuôi 2.400 con heo nái và mỗi con heo nái sinh ra khoảng 25 con heo thịt mỗi năm).
Sang năm 2022, HAGL sẽ xây dựng thêm 9 cụm chuồng trại để nâng tổng số lên thành 16 cụm, với công suất hơn 1 triệu con heo thịt/năm.
HAG cho biết, lợi thế cạnh tranh của công ty là có được quỹ đất rộng lớn xa khu dân cư, khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, khoảng cách địa lý và điều kiện vận chuyển đến cảng biển và thị trường tiêu thụ thuận lợi. Sản phẩn chuối và thịt heo là hai loại thực phẩm cơ bản và thiết yếu với cuộc sống, chưa kể thị trường tiêu thụ rộng lớn.
Cũng theo ông Đức, điểm sáng và mới mẻ của HAGL là sự sáng tạo trong việc vận dụng nguồn lực bổ trợ từ ngành chuối để tạo ra lợi thế cạnh tranh đặc biệt cho ngành chăn nuôi heo. Chuối loại thải từ ngành trồng trọt (khoảng 200.000 tấn/năm) là nguồn nguyên liệu giàu dinh dưỡng làm thức ăn chăn nuôi heo, giúp hạ giá thành sản phẩm. Hơn nữa, sản phẩm "thịt heo ăn chuối" là loại sẩn phẩm độc đáo, vừa thơm ngon lại vừa đáp ứng tiêu chí sản phẩm hữu cơ, được người tiêu dùng đánh giá cao và tiếp nhận nồng nhiệt. HAGL tự tin rằng chiến lược kinh doanh này phù hợp với xu thế tiêu dùng hiện đại của xã hội, khi mà khách hàng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sức khoẻ và chất lượng sản phẩm.
Về công tác tái cơ cấu tài chính, HAGL đã hoàn thành cơ bản việc thoái vốn vào nhóm HAGL Agrico, giảm mạnh số dư nợ vay ngân hàng, giảm chi phí lãi vay, cải thiện hiệu suất kinh doanh... Kết quả năm 2021 (theo bản thảo BCTC kiểm toán dự kiến hoàn tất thủ tục để phát hành ngày 24/3/2022) với tổng doanh thu 2.097 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 127 tỷ đồng, sau một thời gian dài bị lỗ. Đây là một kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh điều kiện SXKD còn nhiều rủi ro và thách thức như năm 2021.
Bên cạnh đó, HAGL cũng rất thành công trong công tác phòng chống dịch, ổn định SXKD, duy trì ổn định công ăn việc làm cho người lao động. Lương và các chế độ cho người lao động không hề bị giảm so với khi chưa có Covid-19. Các khoản nộp BHXH và thuế theo luật định luôn được tuân thủ...