Phát biểu tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng thông qua thi hành án dân sự” diễn ra ngày 25/11, ông Đặng Văn Huy, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, cho biết các cơ quan thi hành án dân đang tiến hành tổ chức thi hành án cho 76 tổ chức tín dụng, công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính.
Theo đó, trong năm 2022, cơ quan thi hành án phải thi hành số lượng 37.058 việc, tương ứng với số tiền là trên 137.311 tỷ đồng (chiếm 4,31% về việc và 41,14% về tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành của toàn hệ thống). Trong đó, số có điều kiện là 22.473 việc (chiếm 60,64%), tương ứng hơn 74.250 tỷ đồng (chiếm 54,07%).
Tuy nhiên, đến nay, cơ quan thi hành án mới hoàn thành xong 6.215 việc, đạt 27,66% trên số có điều kiện. Số việc chuyển kỳ sau là 30.843 việc tương ứng với số tiền là xấp xỉ 114.767 tỷ đồng (bao gồm cả số việc chưa có điều kiện thi hành án).
Đánh giá tiến độ thi hành án thời gian qua, đa phần các tổ chức tín dụng phát biểu tại hội thảo đều cho rằng còn rất chậm. Điều này khiến ngân hàng bị ghim vốn, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh.
Ông Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, cũng thừa nhận công tác xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi tiền tài sản cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng vẫn còn hạn chế. Nhiều việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Ông Thái cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Thứ nhất, một số quy định của pháp luật chưa hoàn thiện dẫn đến khó khăn trong xử lý tài sản (dự án chưa hoàn thiện hồ sơ theo pháp luật đầu tư và đất đai; tranh chấp khởi kiện phân chia tài sản chung; xử lý quyền sử dụng đất đảm bảo phù hợp quy hoạch...).
Thứ hai, các vụ án phải thi hành ở địa bàn trọng điểm như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng có giá trị phải thi hành lớn, tính chất phức tạp, tài sản phải xử lý nhiều, có tranh chấp hoặc đang có vướng mắc về pháp luật khi xử lý.
Thứ ba, ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận người dân còn hạn chế, lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kéo dài, chống đối, cản trở việc thi hành án.
Thứ tư, hiệu quả công tác phối hợp của một số cơ quan hữu quan có nơi, có lúc còn chưa cao, nhất là trong việc xác minh, đo vẽ, xác định ranh giới, hiện trạng để xử lý quyền sử dụng đất, khấu từ tiền trong tài khoản.
Cùng quan điểm, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá rằng lượng án tín dụng ngân hàng tồn đọng khối lượng lớn, trong khi khối lượng án phát sinh thêm hàng năm vẫn tiếp tục tăng, dẫn đến quá tải trong thi hành các bản án tín dụng ngân hàng tại các cơ quan thi hành án.
Nguyên nhân chủ yếu của những bất cập hiện nay do quy định pháp luật thi hành án và pháp luật liên quan chưa đồng bộ, thống nhất, thiếu cụ thể, rõ ràng và do việc hiểu, áp dụng pháp luật của cơ quan thi hành án, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, và cả từ phía bản thân các tổ chức tín dụng.
"Do đó, để công tác xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ xấu của ngành ngân hàng đạt hiệu quả cao hơn, nhất là công tác xử lý tài sản bảo đảm thông qua thi hành án, ngoài việc hoàn thiện thể chế, rất cần sự phối hợp đồng bộ của các bộ ngành và các cơ quan liên quan”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đề nghị.