November 25, 2023 | 08:00 GMT+7

Năm 2023, kinh tế “quê lúa” bắt đầu khởi sắc

Trương Quốc Cường -

Trong 23 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội có 14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 67.743 tỷ đồng, tăng 7,53% so với năm 2022...

Thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình
Thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình

UBND tỉnh Thái Bình vừa tổ chức cuộc họp tổng kết sơ bộ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024.

Theo nội dung đã được các đại biểu sở, ban, ngành trình bày tại cuộc họp, năm 2023, dù bối cảnh còn nhiều khó khăn tuy nhiên tình hình kinh tế - xã hội của Thái Bình vẫn có sự phục hồi, tăng trưởng khá và đạt kết quả tích cực.

Trong 23 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội có 14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 67.743 tỷ đồng, tăng 7,53% so với năm 2022.

Tổng giá trị sản xuất ước đạt 202.526 tỷ đồng, tăng 6,3% so với năm 2022, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,2%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,2%, khu vực dịch vụ tăng 6,5% so với năm 2022.

Trong năm, tỉnh tổ chức thành công nhiều sự kiện, hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day”; ký biên bản ghi nhớ với Bộ Y tế, Tập đoàn VSIP; hội thảo chuyên đề phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ - tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp...

Công tác thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, nhất là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có sự phát triển vượt bậc so với những năm trước với tổng thu hút vốn đến ngày 20/11 đạt hơn 710 triệu USD.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo thực hiện quyết liệt từ đó đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án, nhất là các dự án trọng điểm và các dự án phát triển nhà ở. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công của tỉnh thuộc nhóm đầu cả nước, ước thực hiện giải ngân năm 2023 đạt gần 6.300 tỷ đồng, đạt 128% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Về thực hiện dự toán ngân sách năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện gần 24.500 tỷ đồng, đạt 116,5% dự toán, bằng 89,5% so với cùng kỳ năm 2022; tổng thu ngân sách địa phương ước thực hiện hơn 22.500 tỷ đồng, đạt 134,4% dự toán, bằng 100,8% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa ước đạt 10.189 tỷ đồng, 89,8% dự toán HĐND tỉnh; tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước thực hiện gần 22.600 tỷ đồng, đạt 134% dự toán.

Tại cuộc họp, các đại biểu cũng cho ý kiến về các nội dung: Báo cáo về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; báo cáo tài chính nhà nước tỉnh Thái Bình; tờ trình về việc ban hành nghị quyết ban hành hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024; báo cáo về việc giao đất đối với các dự án phát triển nhà ở đã được công nhận chủ đầu tư theo Luật Nhà ở; hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án nhà máy sản xuất rượu Soju tại Việt Nam của Công ty Hitejinro SG Pte.Ltd tại khu công nghiệp Liên Hà Thái, huyện Thái Thụy; đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 khu liên hợp phụ trợ điện khí và trung tâm điện khí LNG Thái Bình; báo cáo điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình…

Ông Nguyễn Khắc Thận Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, đánh giá cao những kết quả đạt được trong năm 2023, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra, kết quả thu ngân sách và thu nội địa đạt thấp; công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ chưa có sự chuyển biến rõ nét; công tác cải cách thủ tục hành chính ở một số đơn vị còn chậm…

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình thống nhất tiếp tục thực hiện chủ đề năm 2023 cho năm 2024, đó là “Trách nhiệm kỷ cương, tăng cường cải cách, tận dụng cơ hội, bứt phá đi lên”. Trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn đề nghị các sở ngành, địa phương tiếp tục bám sát chỉ đạo của trung ương và của tỉnh khẩn trương khắc phục những tồn tại đã chỉ ra, xây dựng ngay kế hoạch công tác của năm 2024 để có lộ trình thực hiện bảo đảm khả thi, sát với thực tế.

Ông Nguyễn Khắc Thận đặc biệt nhấn mạnh một số yêu cầu cụ thể như  tăng cường thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình và các khu, cụm công nghiệp; ưu tiên thu hút, mời gọi các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu, uy tín; quan tâm, theo sát các nhà đầu tư tiềm năng đã về làm việc với tỉnh; kịp thời giải quyết nhanh nhất, thuận lợi nhất các thủ tục, hồ sơ về đầu tư cho các nhà đầu tư thứ cấp đến đầu tư tại tỉnh.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình, dự án trọng điểm; tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến nguồn cung và giá cả vật tư, nguyên vật liệu phục vụ thi công công trình, bảo đảm về nguồn vốn, mặt bằng cho các công trình, dự án trọng điểm như: Tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường trục kết nối các khu chức năng trong Khu kinh tế Thái Bình, tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn, đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình, hoàn thiện thủ tục khởi công tuyến đường cao tốc CT.08...; thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tập trung cao cho công tác thu ngân sách…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate