December 21, 2022 | 15:11 GMT+7

Năm 2023, TP.HCM tập trung giải quyết 14.000 hồ sơ đất đai bị trễ hẹn

Mộc Minh -

Trong năm 2023, những hồ sơ đất đai còn tồn đọng chưa được giải quyết và các dự án có sử dụng đất còn vướng mắc tại TP.HCM sẽ được tập trung tháo gỡ và giải quyết…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Đây là thông tin mà ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của TP.HCM ngày 20/12/2022.

Về giải quyết hồ sơ lĩnh vực đất đai, ông Thắng cho biết tính đến thời điểm này, tổng hồ sơ nhà đất được giải quyết trên địa bàn thàh phố là 502.990 hồ sơ; bình quân mỗi tháng giải quyết khoảng 42.000 hồ sơ, tỷ lệ trễ hạn chung theo thống kê là 2,7%, tương ứng 14.000 hồ sơ…

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM: "Sở sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời với cán bộ công chức viên chức còn trì trệ, chưa làm tốt công việc" - Ảnh: PC.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM: "Sở sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời với cán bộ công chức viên chức còn trì trệ, chưa làm tốt công việc" - Ảnh: PC.

Điều này cho thấy người dân, doanh nghiệp vẫn còn rất bức xúc đối với các quy trình thủ tục giải quyết hồ sơ của ngành tài nguyên, môi trường.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra  3 nhóm giải pháp để giải quyết tình trạng chậm trễ hồ sơ đất đai.

Thứ nhất, Sở sẽ tham mưu cho UBND thành phố công bố đầy đủ bộ thủ tục trên lĩnh vực đất đai.

Trong năm 2022, Sở đã trình Chủ tịch UBND TP.HCM công bố 15 thủ tục đất đai. Như vậy, hiện 81/81 thủ tục đất đai được công bố đầy đủ.

Việc ứng dụng phần mềm duyệt bản đồ sau khi được UBND TP.HCM cho phép thí điểm đã có thể kiểm soát 3 khâu: tiếp nhận hồ sơ, thụ lý hồ sơ và liên thông giải quyết thủ tục.

Sở cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời với cán bộ công chức viên chức còn trì trệ, chưa làm tốt công việc.

Thứ hai, đối với các dự án sử dụng đất còn vướng mắc trên địa bàn, sở sẽ cùng với các đơn vị liên quan phân loại các nhóm tồn tại đã được phân tích trước đó. Tiếp tục tham mưu và trình Bộ Chính trị cho ý kiến 8 nhóm vấn đề trong các tồn tại trước đây để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Thứ ba, khắc phục hạn chế trong công tác phối hợp với các cơ quan khác, chú trọng quán triệt, thực hiện kết luận 14 của Bộ chính trị về bảo vệ, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Ngoài ra, trong năm 2022, sở đã tham mưu UBND thành phố giải quyết trên 133 dự án có giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thẩm định giá đất. Hiện còn 49 dự án còn vướng mắc.

Sở sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp để giải quyết, trong đó nổi bật là việc chủ động đề xuất các nội dung xin thí điểm trước khi sửa Luật đất đai để có cơ chế giải quyết các khó khăn hiện hữu.

Về vấn đề bồi thường, tái định cư, hiện trên địa bàn TP.HCM có 196 dự án đang thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước, nhưng một số dự án vẫn gặp khó khăn, vướng mắc. 

Cụ thể, chưa thực hiện đầy đủ việc chuẩn bị đảm bảo công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Thời gian thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn kéo dài.

Bên cạnh đó, việc khảo sát, điều tra, đo vẽ, kiểm đếm đất, nhà/công trình vật kiến trúc trên đất phải thực hiện cho từng trường hợp bị ảnh hưởng thu hồi đất nên khối lượng công việc rất lớn. Việc xác định pháp lý về sử dụng đất vẫn còn phức tạp và cần nhiều thời gian để hoàn thành.

Tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBDN TP.HCM cho biết, từng sở, ngành, quận huyện mà trực tiếp là người đứng đầu phải quán triệt toàn ngành, địa phương, đến từng cán bộ công chức viên chức nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng công vụ, đảm bảo tiến độ chất lượng công việc, thực hiện nghiêm quy chế phối hợp đã ban hành.

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nguyên nhân chính vẫn là con người, chất lượng làm việc của cán bộ, công chức. Do vậy, cần nâng cao hiệu quả cán bộ công vụ, mỗi người làm tốt hiệu quả, thì mang lại hiệu quả tốt, chỉ số năng lực cạnh tranh phải cải thiện bằng hành động, cải thiện môi trường đầu tư phải bằng hành động… tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn, gặp gỡ lắng nghe tháo gỡ vướng mắc để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đóng góp cho xã hội nhiều hơn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate