Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những điểm đến có chi phí cạnh tranh nhất toàn cầu cho đầu tư công nghiệp và logistics, nhờ 3 lợi thế quan trọng: giá thuê bất động sản, chi phí lao động và năng lượng.
Theo báo cáo “Tọa độ động lực công nghiệp toàn cầu 2025” về ngành logistics và công nghiệp của hơn 120 thị trường trên toàn thế giới, những năm gần đây, nhu cầu thuê bất động sản công nghiệp tăng mạnh trong khi nguồn cung hạn chế, đã đẩy giá thuê lên cao ở nhiều khu vực trên thế giới. Một số thị trường ghi nhận mức giá kỷ lục, thậm chí có nơi còn chứng kiến giá thuê tăng hơn gấp đôi chỉ trong vòng 5 năm.
Tính đến nay, giá thuê trung bình toàn cầu tăng khoảng 41% so với cuối năm 2019. Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu xu hướng này, với mức tăng lên tới 57%. Tương tự, tại các thị trường khác ở châu Mỹ, giá thuê cũng biến động mạnh nhưng giảm vào năm 2020, phục hồi từ 2021 đến 2023, và một số khu vực lại sụt giảm trở lại trong năm 2024.
Ở khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi, giá thuê tiếp tục tăng đáng kể, hiện cao hơn trung bình 38% so với năm 2019. Các quốc gia như Anh, Cộng hòa Séc, Hà Lan và Na Uy ghi nhận mức tăng mạnh. Riêng Thổ Nhĩ Kỳ chứng kiến mức tăng tới 90%, chủ yếu do lạm phát cao, đạt đỉnh 85,5% vào tháng 10/2022 và vẫn ở mức 38,1% vào tháng 3/2025.
Còn châu - Á Thái Bình Dương, giá thuê trung bình tăng 25% so với năm 2019, nhưng có sự phân hóa rõ rệt giữa các thị trường. Úc và Việt Nam có mức tăng trên 70%, trong khi Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc đại lục không biến động đáng kể.
Tuy nhiên đối với Việt Nam, dù giá thuê tăng nhưng vẫn được xem là hấp dẫn so với các nước ở khu vực. Cụ thể, giá thuê trung bình tại Hà Nội khoảng 5,3 USD/m2/tháng, và Thành phố Hồ Chí Minh là 4,9 USD/m2/tháng.
Bên cạnh đó, hoạt động logistics và sản xuất vẫn phụ thuộc đáng kể vào yếu tố con người. Nguồn lao động dồi dào và chi phí nhân công hợp lý là những yếu tố then chốt ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn địa điểm đặt cơ sở và chiến lược vận hành, từ việc xác định công đoạn nào cần thực hiện tại chỗ đến mức độ đầu tư vào tự động hóa.
Tại Việt Nam, chi phí lao động hiện chỉ bằng chưa đến 25% mức lương trung vị toàn cầu, đưa quốc gia này vào nhóm có chi phí nhân công thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoài ra, nhu cầu sử dụng điện trong kho vận hiện đại ngày càng tăng, bao gồm hệ thống tự động hóa, quản lý thông minh, thiết bị xử lý vật liệu tiên tiến và xu hướng sử dụng xe điện. Điều này khiến chi phí vận hành trở thành một yếu tố quan trọng trong bài toán đầu tư. Việt Nam tiếp tục ghi điểm khi chi phí điện cho sản xuất công nghiệp thuộc nhóm thấp nhất toàn cầu, chỉ cao hơn Indonesia và Nigeria.
Theo Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, sự kết hợp của ba yếu tố chi phí cốt lõi: giá thuê bất động sản, lao động, điện năng đã giúp Việt Nam trở thành một tọa độ đầu tư hấp dẫn trên bản đồ công nghiệp toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và logistics. Đặc biệt, Việt Nam còn được hưởng lợi từ xu hướng “China+1” và chiến lược “nearshoring” đưa sản xuất đến gần thị trường tiêu thụ, giảm phụ thuộc vào một khu vực địa lý duy nhất.
Do đó, “Các nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực tìm kiếm quỹ đất, hợp tác với nhà phát triển nội địa hoặc thuê lại tài sản hiện hữu, để nhanh chóng triển khai hoạt động. Dù vậy, nhằm tối ưu hiệu quả sản xuất, tìm nguồn cung và phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược bất động sản phù hợp, gắn liền với mục tiêu vận hành dài hạn”, đại diện Cushman & Wakefield kết luận.