Chia sẻ tại Tọa đàm “Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Nhìn lại 2024 và triển vọng 2025” do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) và Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy tổ chức ngày 3/1, ông Chử Văn Lâm cho biết rất nhiều thảo luận gần đây của các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu, các chuyên gia… đều xoay quanh “cỗ xe tam mã” của nền kinh tế Việt Nam là tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư.
Đây là những động lực tăng trưởng truyền thống của Việt Nam trong nhiều năm qua, vì vậy, nhìn lại những yếu tố này trong năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho năm 2025 để từ đó có những nhận diện chính xác, đầy đủ và hệ thống hơn cho việc đưa ra những giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho nền kinh tế như kỳ vọng của “người đứng đầu” Chính phủ.
Năm 2025, Quốc hội giao cho Chính phủ mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%. Thậm chí, Thủ tướng Chính phủ đã phát đi thông điêp mạnh mẽ tại Công điện 137/CĐ-TTg với mục tiêu phải tăng tốc, bứt phá hướng tới mức tăng trưởng trên 8% và kỳ vọng đạt mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới.
“Đầy là mục tiêu đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị bởi để đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số, chúng ta cần những giải pháp làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống bên cạnh những giải pháp thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới”, ông Chử Văn Lâm nhấn mạnh.
Vì vậy, tọa đàm hôm nay với sự góp mặt của các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực vĩ mô, tài chính – tiền tệ, cải cách môi trường kinh doanh, tăng trưởng xanh và bền vững và đại diện các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa… sẽ tập trung thảo luận về những khó khăn, thuận lợi mà nền kinh tế phải đối diện trong năm qua, cũng như đánh giá triển vọng và cơ hội trong năm 2025 trước những thách thức từ nội tại nền kinh tế và những biến động toàn cầu.
Theo Tổng Biên tập Chử Văn Lâm, tọa đàm hôm nay sẽ dẫn đề cho Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam – lần thứ 17 sẽ diễn ra vào ngày 7/1 tới đây. Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo nội dung, phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy và VINASME tổ chức nhằm tìm ra những giải pháp đột phá, tháo gỡ những điểm nghẽn, những ách tắc của nền kinh tế hiện nay như tinh thần mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo “chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
“Vì vậy, năm 2025 sẽ là năm tạo bản lề để thúc đẩy tăng trưởng hai con số cho giai đoạn tới. Đây là kỳ vọng và cũng là mục tiêu của Việt Nam trong kỷ nguyên “vươn mình” của dân tộc”, ông Chử Văn Lâm nhấn mạnh.
Thống kê cho thấy, trong 11 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ổn định với kim ngạch xuất khẩu đạt 715,55 tỷ USD và dự kiến đạt mức kỷ lục 800 tỷ USD trong cả năm.
Đầu tư tư nhân cũng cho thấy sự phục hồi kể từ sau đại dịch Covid-19 với mức tăng trưởng 7,7% so với cùng kỳ quý 3/2024, phản ánh niềm tin ngày càng tăng của doanh nghiệp trong nước.
Đầu tư nước ngoài duy trì sự ổn định và là điểm sáng trong bức tranh thu hút vốn toàn cầu với tổng vốn FDI đăng ký đạt 31,4 tỷ USD trong 11 tháng, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, triển vọng tăng trưởng năm 2025 được các tổ chức quốc tế dự báo vẫn cho thấy xu hướng tích cực khi Việt Nam được nhận định là “ngôi sao” tăng trưởng trong khu vực, đặc biệt là ASEAN-6.