Trong tháng 6 này, tại TP.HCM đang diễn ra đợt khuyến mãi tập trung và kéo dài cho đến tháng 9/2024 dành cho đợt mua sắm mùa hè, rồi từ tháng 11 đến tháng 12/2024 sẽ tổ chức đợt khuyến mãi dành cho mùa sắm mùa cuối năm. Các hoạt động này nhằm đẩy mạnh khuyến mãi hàng thiết yếu (với hạn mức tối đa về giá trị của sản phẩm dùng để khuyến mại lên đến 100%) trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp ở lĩnh vực này tăng trưởng thấp, thậm chí không có lợi nhuận.
TÍCH CỰC BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG
Trên thực tế, khi sức cầu thị trường lẫn niềm tin của người tiêu dùng chậm cải thiện, nếu không tham gia khuyến mãi thì các doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ khó đạt doanh số. Một số doanh nghiệp cho biết, sức mua thị trường vẫn còn rất thấp nên ngoài việc phối hợp cùng các hệ thống bán lẻ khuyến mãi giảm giá để kích cầu thì họ vẫn mong muốn tìm kiếm thêm những giải pháp khả dĩ khác.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho hay sức mua thị trường rất thấp nên doanh nghiệp một mặt tích cực tham gia bình ổn thị trường, một mặt phối hợp cùng các hệ thống bán lẻ khuyến mãi giảm giá trứng gà để kích cầu. "Kinh tế khó khăn, sức cầu thị trường lẫn niềm tin của người tiêu dùng đang giảm nên nếu không khuyến mãi thì cả nhà sản xuất lẫn nhà phân phối đều khó đạt doanh số", ông Thiện nói.
Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản chia sẻ: "Chúng tôi tiếp tục rà soát các khoản chi phí, làm việc với tất cả các đối tác cung ứng đầu vào, đề nghị họ cũng không được tăng giá. Có một khoản ngân sách nhất định như vậy thì chúng tôi mới có thể đầu tư khuyến mãi". Tương tự, các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gạo đã chủ động nguồn hàng dự trữ lên gấp 4 - 5 lần so với cùng thời điểm năm ngoái, đảm bảo cung ứng sản lượng đủ cho thị trường trong mọi tình huống.
Ở góc độ nhà bán lẻ, đại diện Saigon Co.op cho biết đã nhận được nhiều đề nghị tăng giá từ nhiều nhãn hiệu lớn. Hầu hết nhà cung cấp đã báo tăng giá, như ngành hàng rau củ quả đề nghị tăng 10% - 15% và ngành hàng thực phẩm công nghệ muốn tăng cao nhất tới 20%. "Không riêng Saigon Co.op mà một số nhà bán lẻ đang nỗ lực tối đa để trì hoãn việc tăng giá trong giai đoạn này", đại diện Saigon Co.op thông tin.
Nhằm tạo sức hút trong mua sắm tiêu dùng, một số hệ thống siêu thị liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu. Saigon Co.op tung chương trình “Ngày hội gia đình – Mua 2 tính tiền 1”, Shopping Season “Thoả sức mua – Đua sức sắm” với mức giảm chạm đáy lên đến 64% hoặc mua 1 tặng 1 dành cho một số sản phẩm. Các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị Winmart, Bách Hóa Xanh... cũng liên tục giảm giá hoặc khuyến mãi các mặt hàng.
Có thể nói, đợt khuyến mãi tập trung là dịp quan trọng để doanh nghiệp tăng tốc bán hàng, giảm giá để không phải giữ nhiều hàng tồn, chuẩn bị sản xuất bán cho dịp lễ tết. Như mọi năm, kỳ vọng cho mùa mua sắm hè là rất lớn, song kỳ vọng để bùng nổ sức mua e là khó. Kinh tế vẫn còn khó khăn, tâm lý mua sắm, vui chơi trong chừng mực vẫn còn "đeo bám" người tiêu dùng. Hiện doanh nghiệp và các nhà bán lẻ chỉ hy vọng sức mua sẽ tiếp tục tăng tích cực trong thời gian tới.
NẮM BẮT XU HƯỚNG TIÊU DÙNG
Chia sẻ tại Diễn đàn Xu hướng tiêu dùng Việt Nam ngày 19/6 vừa qua, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty TNHH NielsenIQ Việt Nam, cho biết người tiêu dùng khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang gặp áp lực về việc chi phí sinh hoạt tăng, dẫn tới việc người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu các mặt hàng tùy ý để cân bằng chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu, đồng thời đưa ra những quyết định mua sắm cẩn trọng hơn. Theo đó, 89% người tiêu dùng tìm kiếm mức giá thấp hơn, 72% giảm tổng chi tiêu.
Ở Việt Nam, theo NielsenIQ, 36% người tiêu dùng lo ngại về tình hình suy thoái kinh tế và 25% lo ngại về việc mất an ninh, mất việc làm. Người tiêu dùng thắt chặt hầu bao cũng khiến việc bán hàng của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Theo Worldpanel Division, trung bình thị phần của top 5 nhãn hiệu lớn nhất trong mỗi ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đều giảm ở cả khu vực thành thị (từ 72% năm 2019 xuống còn 67% năm 2024) và nông thôn (từ 77% năm 2019 xuống còn 65% năm 2024).
“Bên cạnh việc người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu thì thị trường có rất nhiều sản phẩm mới được tung ra, cùng với sự năng động của các nhãn hiệu nhỏ khiến người mua có nhiều sự lựa chọn hơn, ảnh hưởng tới thị phần của các nhãn hiệu lớn. Các thương hiệu lớn và nhỏ giờ đây có cơ hội ngang nhau. Những ai từng tự tin rằng tôi bán rất tốt ở thành thị hay ở nông thôn thì trong tương lai gần sẽ không còn nữa”, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Khối Kinh doanh Kantar Việt Nam, nhận định.
Đánh giá về tình hình tiêu dùng trên thị trường, ông Tạ Mạnh Cường, đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng sự thay đổi trong thị phần của các kênh mua sắm từ các kênh truyền thống sang nền tảng thương mại trực tuyến hiện đại, đặc biệt là ở thành thị đã và đang trở thành cơ hội, thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp cũng phải thay đổi chiến lược để tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả hơn, cung cấp các giải pháp phù hợp và tạo sự hài lòng cho người tiêu dùng.
Đưa ra giải pháp về vấn đề này, bà Nga phân tích: "Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng xem việc tìm kiếm ưu đãi trực tuyến như một cách hiệu quả để cắt giảm chi tiêu cho việc mua sắm hàng tạp hóa. Vì thế, doanh nghiệp cần quan tâm và khai thác hiệu quả kênh thương mại điện tử để gia tăng doanh số", bà Nga nhấn mạnh.
Bà Đặng Thúy Hà đưa ra khuyến nghị các doanh nghiệp cần linh hoạt, nhanh chóng thích nghi, đổi mới và đánh giá lại chiến lược kinh doanh để phù hợp với những nhu cầu và xu hướng tiêu dùng hiện nay. “Doanh nghiệp cần gần gũi hơn với người tiêu dùng, và cần phải ưu tiên các sản phẩm thiết yếu để phù hợp với người tiêu dùng khi mà họ đang thận trọng trong việc mua sắm. Sản phẩm phải đi với sự thấu hiểu người tiêu dùng, “thực đơn” của chúng ta sẽ thiết kế cho phù hợp,” đại diện NielsenIQ khu vực miền Bắc chia sẻ.
Kéo theo đó, để nhanh chóng nắm bắt hành vi khách hàng, ông Lê Hùng Cường, Phó Tổng Giám đốc FPT Digital khuyên doanh nghiệp nên tận dụng sự phát triển của các công nghệ mới để tạo ra các cơ hội chuyển đổi hoạt động bán lẻ. Đơn cử như việc sử dụng dữ liệu giúp doanh nghiệp siêu cá nhân hóa bán lẻ, cho phép hoạt động mua sắm có thể tương tác theo thời gian thực và đề xuất sản phẩm phù hợp nhất của khách hàng, tăng khả năng mua hàng, giảm tỉ lệ hoàn hàng...