March 01, 2021 | 06:14 GMT+7

"Năm Covid", lương thưởng ngân hàng vẫn nóng, nhân sự xáo trộn

Nguyên Minh

Số liệu tổng hợp cho thấy thu nhập hàng tháng của nhân viên ngân hàng trong "năm Covid thứ nhất" phần lớn đều ổn định, thậm chí còn tăng

Năm 2020 là giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bắt đầu xuất hiện và sức ảnh hưởng tiêu cực lớn đến tất cả các ngành nghề. Tình trạng nhân viên bị cắt giảm với thu nhập cũng giảm tương ứng xảy ra ở phần lớn các ngành trong xã hội, tuy nhiên ở nhóm ngân hàng, nhân sự và lương thưởng vẫn luôn gây chú ý khi luôn ở mặt bằng cao.

CÓ NƠI GIẢM ĐẾN 6.000 NGƯỜI NHƯNG PHẦN LỚN VẪN TUYỂN MẠNH

Con số nhân sự của các ngân hàng cho thấy, hầu hết đều có sự gia tăng, ở nhiều nhà băng còn tăng hơn nghìn nhân sự trong năm khó khăn 2020. 

Cụ thể, trên 23 ngân hàng thương mại cổ phần được người viết thống kê, chỉ có 8 nhà băng có số lượng nhân viên cuối năm vừa qua thấp hơn đầu kỳ. Trong đó cắt giảm lớn nhất phải kể đến VPBank khi ngân hàng này trong năm đã giảm tới hơn 6.000 nhân sự. Năm 2019, VPBank là ngân hàng thương mại cổ phần có số lượng nhân viên lớn nhất ngành, tuy nhiên tới năm nay, ngân hàng này chỉ còn xếp thứ 3 và nhường lại vị trí đầu bảng cho BIDV. 

Ở HDB, Sacombank, Eximbank và MB, lượng nhân sự cắt giảm từ hơn 200 đến 800 người. Một số ngân hàng khác có lượng nhân sự giảm nhưng không đáng kể như MSB (9 người), Saigonbank (28 người), ABBank (57 người). 

Còn lại, xu hướng chung ở các nhà băng khác vẫn là tiếp tục gia tăng đội ngũ nhân sự. Tuyển dụng nhiều nhất trong năm vừa rồi là VIB khi đội ngũ của ngân hàng này tăng thêm hơn 2.300 người. Vietcombank cũng tuyển dụng thêm hơn 1.100 nhân sự. 

Mặc dù lớn về con số tuyệt đối song nếu tính phần trăm, mức tuyển dụng ở các ngân hàng cỡ nhỏ và vừa lại lớn hơn nhiều so với VCB. 1.100 nhân sự tuyển mới của VCB chỉ tương ứng mức tăng 6% so với đầu năm thì ở TPBank, Bắc Á Bank, SeABank có tổng lượng nhân viên cuối kỳ cao hơn 14-16% năm trước. 

Tuy nhiên, tổng nhân viên mới trong năm của 15 ngân hàng tuyển thêm trong danh sách cũng chỉ mới đạt 8.437 người, vẫn thấp hơn tổng lượng nhân viên cắt giảm ở 8 nhà băng nêu trên (8.611 người). Điều này cho thấy việc cắt giảm nhân sự trong thời điểm dịch bệnh năm qua ở ngành ngân hàng có diễn ra, tuy nhiên nhờ việc thu hút nhân sự ở nhiều nhà băng đã không khiến tình tình trở nên nghiêm trọng so với các ngành nghề bị ảnh hưởng mạnh khác. 

PHÚC LỢI NHÂN VIÊN VẪN TĂNG

Lương thưởng và các phúc lợi đi kèm là điều tác động lớn đến tâm lý nhân sự khi muốn "nhảy việc". Điều này đặc biệt quan trọng ở ngành ngân hàng nơi có thu nhập thuộc nhóm cao. 

Một số nhà băng đã công bố thu nhập hàng tháng của nhân viên chi tiết trong báo cáo tài chính và những con số này cho thấy mặc dù trong giai đoạn nhạy cảm song thu nhập phần lớn đều ổn định và thậm chí còn tăng. 

Chỉ mới có 7 ngân hàng công bố chi tiết khoản mục này. Trong đó MBB là ngân hàng duy nhất có thu nhập trung bình theo tháng của nhân viên giảm nhẹ với mức 28,93 triệu/người/tháng so với mức 29,19 triệu đồng/người/tháng năm 2019. Bên cạnh đó là Saigonbank có thu nhập vẫn duy trì 13 triệu đồng/người/tháng so với năm 2019.

Nhân sự và lương thưởng ngân hàng vẫn nóng bất chấp Covid-19 - Ảnh 1.

Thu nhập trung bình tháng tháng công bố trong báo cáo tài chính của một số ngân hàng. (ACB là thu nhập trung bình năm)

Còn lại các nhà băng đều công bố thu nhập theo tháng/năm tăng hơn so với năm trước. Ví dụ thu nhập trung bình/năm của nhân viên ngân hàng ACB năm 2020 là 314 triệu đồng, tăng 8% so với 2019. Tăng mạnh là VIB khi thu nhập trung bình hàng tháng của nhân viên tăng hơn 16% từ 26,21 triệu đồng lên 31 triệu đồng/tháng.

Mặc dù vậy, ngân hàng nổi tiếng là ngành có tổng thu nhập hàng năm cao hơn nhiều so với mức 13 tháng lương và số lượng tháng thu nhập sẽ thay đổi tùy theo từng đơn vị. Do vậy, việc so sánh thu nhập trung bình theo năm sẽ có độ chính xác cao hơn. 

Khá bất ngờ khi dù tuyển thêm hơn nghìn nhân viên song chi phí cho nhân viên của "người anh" Vietcombank lại giảm gần 1% so với năm trước. Do đó tính trung bình trên tổng lượng nhân viên cuối năm, thu nhập theo cả năm của các nhân viên VCB đã giảm nhẹ hơn 6% và không còn là ngân hàng có thu nhập nhân viên cao nhất như năm 2019. 

Thay vào đó là Techcombank. Theo công bố chi tiết, thu nhập hàng tháng của nhân viên đã tăng hơn 8% trong năm qua từ mức 35 triệu đồng lên 38 triệu đồng/người/tháng. Chi phí cho nhân viên TCB cũng tăng 17% so với năm trước sau khi nhà băng này tuyển dụng thêm 646 nhân sự, đưa mức thu nhập trung bình của nhân viên TCB lên 438 triệu đồng/người/năm, nhỉnh hơn VCB. 

Vietinbank cũng tương tự VCB khi tuyển thêm 375 nhân sự nhưng chi phí nhân viên lại cắt giảm bớt, khiến thu nhập trung bình năm giảm 3,3%. 

Nhân sự và lương thưởng ngân hàng vẫn nóng bất chấp Covid-19 - Ảnh 2.

Ngược lại là MSB khi giảm nhân sự nhưng phúc lợi cho nhân viên được củng cố mạnh. Chi phí cho nhân viên cả năm của MSB tăng hơn 500 tỷ đồng giúp nhân viên ngân hàng này có tổng thu nhập và phúc lợi trong cả năm tăng mạnh lên hơn 400 triệu, tương đương tăng 44% và thuộc top 5 ngân hàng cao nhất gồm Techcombank, Viecombank, MSB, MB và ACB.

Ở nhóm ngân hàng nhỏ, OCB nổi bật nhất khi năm qua đã tăng mức chi phí cho nhân viên lên hơn gấp đôi chủ yếu là lương và phụ cấp. Tuy tổng lương thưởng phụ cấp của nhân viên của ngân hàng vẫn thuộc mức thấp so với đồng nghiệp nơi khác song năm vừa qua mức  thu nhập cũng đã được tăng lên đáng kể với trung bình 112 triệu đồng/năm. 

Có 19 ngân hàng trong danh sách thống kê có mức thu nhập trung bình/người/năm tăng so với năm 2019 cho thấy các ngân hàng vẫn tiếp tục cải thiện đến phúc lợi cho nhân viên trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế. 

Lưu ý: Thu nhập trung bình năm của nhân viên được tính dựa trên công thức Chi phí cho nhân viên/Số lượng nhân viên cuối năm. Chi phí cho nhân viên gồm lương, thưởng, phụ cấp và các khoản phúc lợi đi kèm trong năm. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate