January 06, 2009 | 14:14 GMT+7

Năm đáng quên của công nghiệp xe hơi

Kiều Oanh

Những số liệu về doanh số thị trường xe hơi Mỹ và Nhật Bản năm 2008 là một bằng chứng rõ nét về “bi kịch” của ngành này

Theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường xe hơi Autodata của Mỹ, năm 2008, số ôtô bán ra tại nước này giảm 18%, còn 13,24 triệu xe, thấp nhất từ năm 1992 tới nay. Đồng thời, mức giảm 18% cũng là mức sụt tồi tệ nhất từ năm 1974 tới nay - Ảnh: AP.
Theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường xe hơi Autodata của Mỹ, năm 2008, số ôtô bán ra tại nước này giảm 18%, còn 13,24 triệu xe, thấp nhất từ năm 1992 tới nay. Đồng thời, mức giảm 18% cũng là mức sụt tồi tệ nhất từ năm 1974 tới nay - Ảnh: AP.
Có thể nói, 2008 là một năm đáng quên của ngành công nghiệp ôtô thế giới.

Đầu năm, ngành này, đặc biệt là các hãng xe hơi Mỹ vốn nổi tiếng với những mẫu xe kích thước lớn, bị ám ảnh bởi nỗi lo giá dầu liên tục lập kỷ lục.

Sau đó, khủng hoảng tài chính leo thang và lan rộng, lần lượt đẩy các nền kinh tế lớn ngập sâu trong suy thoái, làm xảy ra hiện tượng đóng băng tín dụng tại nhiều nơi trên thế giới, khiến doanh số các hãng xe lao dốc càng mạnh.

Hai trong số ba hãng xe lớn nhất của Mỹ là GM và Chrysler bị đẩy tới bờ vực phá sản và phải xin Chính phủ Mỹ cứu trợ. Hiện các nhà chức trách Mỹ đã cấp vốn vay cho hai hãng xe này, nhưng theo giới quan sát, nguy cơ phá sản đối với GM và Chrysler chưa phải đã hoàn toàn chấm dứt.

Các hãng xe hơi Nhật ban đầu tưởng chừng như sẽ được lợi nhờ sản xuất những mẫu xe tiết kiệm nhiên liệu, nhưng thực tế đã chứng minh, khủng hoảng kinh tế đã không chừa các hãng xe này. Toyota - hãng xe hơi lớn nhất Nhật Bản - đã dự báo, năm tài khóa này có thể sẽ là năm thua lỗ đầu tiên của hãng trong vòng 7 thập kỷ trở lại đây. Ngoài những khó khăn kinh tế nói chung, việc đồng Yên lên giá mạnh trong năm qua cũng là một khó khăn lớn đối với các hãng xe hơi Nhật.

Những số liệu về doanh số thị trường xe hơi Mỹ và Nhật Bản trong tháng 12/2008 và cả năm 2008 vừa được công bố là một bằng chứng rõ nét về “bi kịch” của ngành công nghiệp xe hơi thế giới năm qua.

Doanh số xe hơi Mỹ thấp nhất từ năm 1992

Theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường xe hơi Autodata của Mỹ, năm 2008, số ôtô bán ra tại nước này giảm 18%, còn 13,24 triệu xe, thấp nhất từ năm 1992 tới nay. Đồng thời, mức giảm 18% cũng là mức sụt tồi tệ nhất từ năm 1974 tới nay.

Năm 2008 là năm đầu tiên từ năm 2000, người Mỹ mua xe hơi du lịch (passenger car) nhiều các loại xe kích thước lớn như bán tải và SUV, chủ yếu do giá dầu leo thang ở nửa đầu năm khiến người tiêu dùng xa lánh các loại xe tiêu thụ nhiều nhiên liệu. Xe du lịch chiếm 50,8% tổng doanh số xe hơi ở Mỹ năm 2008, so với mức 46,3% trong năm 2007. Doanh số các loại xe kích thước nhỏ tăng từ mức 17% trong năm 2007 lên mức 20,5% trong năm 2008.

Tốc độ sụt giảm của doanh số thị trường xe hơi Mỹ càng về cuối năm càng gia tăng. Trong quý 1/2008, nước Mỹ tiêu thụ 15,6 triệu xe hơi, nhưng trong quý 4, doanh số ôtô tại nước này chỉ còn có 10,6 triệu xe.

So với năm 2007, doanh số xe hơi của GM tại Mỹ năm 2008 giảm 22,9%, xuống mức thấp nhất trong vòng 49 năm. Doanh số của Ford giảm 21%, doanh số của Chrysler giảm 30%.

Tại thị trường Mỹ trong năm 2008, doanh số của hai hãng xe hơi Nhật Bản là Toyota và Nissan lần lượt giảm 16% và 10,9%.

Riêng trong tháng 12 tại Mỹ, doanh số của GM giảm 31,4%, doanh số của Ford giảm 32%, doanh số của Chrysler giảm 54%. Doanh số của Toyota giảm 37%, của Honda giảm 34%.

Thị trường xe hơi hạng sang của Mỹ cũng chịu tác động mạnh từ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Tổng doanh số các loại xe thương hiệu hạng sang tại nước này năm 2008 chỉ còn 1,52 triệu xe, so với mức 1,91 triệu xe vào năm 2007.

Trong đó, doanh số của Mercedes giảm 11,2%, của BMW giảm 15,2%, của thương hiệu Lexus của Toyota giảm 21%, của hãng Porsche giảm 25%. Riêng trong tháng 12/2008, doanh số của Mercedes tại Mỹ giảm 32%, của BMW giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các hãng xe Nhật cũng điêu đứng

Ngày 6/1 này, Toyota cho biết sẽ tạm ngừng hoạt động của tất cả 12 nhà máy của hãng tại nước này trong 11 ngày của tháng 2 và tháng 3. Lý do khiến Toyota phải cắt giảm hoạt động sản xuất là do doanh số của hãng đang sụt giảm mạnh tại thị trường nội địa và quốc tế. Trước lần cắt giảm hoạt động này, vừa qua, Toyota cũng đã ngừng hoạt động các nhà máy tại Nhật trong 3 ngày.

Như đã đề cập ở trên, trong tháng 12 vừa qua, doanh số bán xe của Toyota tại thị trường Mỹ đã giảm tới 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này mạnh hơn so với mức sụt giảm doanh số của các đối thủ đồng hương khác như Honda và Nissan, thậm chí còn mạnh hơn cả ba hãng xe hơi đang vật lộn để tồn tại của Mỹ là GM và Ford.

Nhu cầu xe hơi tại Nhật trong cả năm 2008 thấp nhất trong vòng 34 năm trở lại đây.  Trong năm 2008, trừ dòng xe mini, doanh số thị trường xe hơi Nhật đạt mức 3,21 triệu xe, giảm 6,5% so với năm 2007, đánh dấu năm đi xuống thứ 8 liên tiếp. Nếu tính cả xe mini, năm 2007, các hãng xe hơi Nhật bán được 5,08 triệu ô tô, giảm 5,1%.

Tháng 12 vừa qua cũng là một tháng tồi tệ của thị trường xe hơi Nhật Bản. Trừ các loại xe mini có dung tích động cơ 660cc, doanh số ô tô bán ra tại nước này trong tháng giảm 22% so với cùng kỳ, còn 183.549 xe. Nếu cộng cả doanh số của các loại xe hơi mini – dòng xe có doanh số sụt giảm 6,7% trong tháng 12, còn 122.770 xe – doanh số thị trường xe hơi Nhật tháng 12 giảm 17%, còn 306.319 xe.

Trong đó, trừ dòng xe mini, doanh số của Toyota (không tính thương hiệu Lexus) giảm 17,8%, đánh dấu tháng giảm thứ 5 liên tục; doanh số của Nissan giảm 21%, doanh số của Honda giảm 21,8%.

“Chúng tôi không thể tưởng tượng nổi doanh số có thể sụt giảm mạnh tới mức này”, Giám đốc Takeshi Fushimi của Hiệp hội Các đại lý xe hơi Nhật Bản cho hay.

Theo giới phân tích, hàng năm, số người Nhật mua ô tô đang giảm dần do tại các khu vực thành thị của nước này, người dân ưa thích các loại hình giao thông công cộng như tàu điện và xe bus hơn. Mặt khác, dân số Nhật cũng đang có xu hướng giảm, mà người Nhật trẻ cũng không còn thích thú lắm với xe hơi.

“Ngành công nghiệp xe hơi Nhật đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Ở nước này, trong bối cảnh kinh tế xuống dốc, người dân không coi xe hơi là biểu tượng địa vị nữa”, Giám đốc đầu tư Ichiro Takamatsu của quỹ đầu cơ Alphex Investments có trụ sở ở Tokyo nói. Cũng theo ông Takamatsu, không giống như ở một số thị trường xe hơi phát triển khác, vấn đề tài chính không phải là nguyên nhân chính dẫn tới sự đi xuống của thị trường xe hơi Nhật.

Tháng trước, Hiệp hội Các đại lý xe hơi Nhật Bản dự báo, nhu cầu xe mới tại Nhật trong năm 2009 sẽ chỉ còn 4,86 triệu xe, lần đầu tiên dưới mức 5 triệu xe trong vòng 31 năm qua.

(Theo Business Week, Reuters, Bloomberg)
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate