March 08, 2024 | 19:56 GMT+7

Nam Định cần sớm tháo gỡ điểm nghẽn lớn nhất để tăng lợi thế cạnh tranh

Song Hoàng -

Hiện nay, các tuyến hành lang ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình và tuyến cao tốc Quảng Ninh- Hải Phòng- Thái Bình- Nam Định, cao tốc Bắc - Nam, nối Nam Định - Ninh Bình đang được đầu tư, đẩy nhanh xây dựng..

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

UBND Nam Định vừa tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư tỉnh Nam Định năm 2024.

Theo ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, năm 2023, Nam Định đạt mức tăng trưởng 10,19%, cao nhất từ trước đến nay; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông; môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện…

Theo Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nam Định được quy hoạch đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá của cả nước, một trung tâm phát triển quan trọng của vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Với mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2030 khoảng 9,5%/năm.

Không gian kinh tế - xã hội của tỉnh được tổ chức phát triển theo mô hình "3 vùng động lực, 4 cực tăng trưởng và 5 hành lang kinh tế" với định hướng phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, kinh tế biển, ven biển…

Tầm nhìn đến năm 2050, Nam Định trở thành trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng, có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa của vùng

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những thành tựu quan trọng, tạo nên những đổi thay toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nam Định đã đạt được trong suốt chặng đường phát triển vừa qua.

Quy hoạch tỉnh Nam Định có vai trò đặc biệt quan trọng, tổ chức lại không gian phát triển của tỉnh trong mối liên kết chặt chẽ, hữu cơ với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng với 4 trung tâm đô thị động lực chủ đạo và 5 hành lang kinh tế động lực; phát triển đột phá khu vực kinh tế biển và ven biển, đưa khu vực ven biển trở thành một trọng tâm phát triển của tỉnh.

Để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch, Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần hồng Hà chỉ đạo: "Nam Định cần rút ra các bài học phát triển của các địa phương trong vùng; tiếp tục đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, tận dụng tốt thời cơ, tìm ra lối đi riêng để Nam Định trở thành địa chỉ đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng trải nghiệm, đáng sống".

Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng, Nam Định cần quyết liệt tháo gỡ nhanh điểm nghẽn lớn nhất về hạ tầng kết nối liên vùng làm giảm lợi thế cạnh tranh của tỉnh; đồng thời phát huy lợi thế về nhân lực và vị trí ven biển.

Hiện nay các tuyến hành lang ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình và tuyến cao tốc Quảng Ninh- Hải Phòng- Thái Bình- Nam Định, cao tốc Bắc - Nam, nối Nam Định - Ninh Bình đang được đầu tư, đẩy nhanh xây dựng.

Sau khi hoàn thành, hành lang giao thông ven biển đặc biệt quan trọng này sẽ thúc đẩy liên kết vùng, tạo động lực mạnh mẽ, nâng cao sức cạnh tranh, mở ra không gian phát triển mới về phía Đông Nam cho Nam Định và các địa phương; đây là cơ hội rất lớn để thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển.

Với nguồn nhân lực chất lượng cao và tiềm năng lớn về năng lượng sạch, Nam Định cần lựa chọn các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tri thức có giá trị gia tăng cao. Tỉnh cần chú trọng tạo các nguồn lực từ chính quy hoạch thông qua đầu tư phát triển hệ sinh thái kinh tế đô thị - công nghiệp- dịch vụ để phát triển hạ tầng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà lưu ý Nam Định cần tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp gồm: Ưu tiên cho đầu tư cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng năng lượng xanh, hạ tầng số, giáo dục, đào tạo và liên kết không gian phát triển bởi đây là những nhân tố chính quyết định môi trường đầu tư kinh doanh, đầu tư dựa trên tiêu chuẩn về môi trường, phát thải đang được hình thành.

Chú trọng quy hoạch và xây dựng kế hoạch phù hợp để phát triển hệ thống đô thị xanh, đô thị thông minh; cần tổ chức không gian lãnh thổ hợp lý, hài hòa giữa đô thị và nông thôn; tiếp tục dồn lực vào tài nguyên biển, phát triển không gian ra biển; chú trọng đầu tư các công trình hạ tầng lớn, hạ tầng kết nối để mở ra không gian và điều kiện thuận lợi đẩy nhanh quá trình đô thị hóa; thực hiện nghị quyết phát triển kinh tế biển.

Kết nối chuỗi du lịch Nam Định - Ninh Bình - Hà Nam - Thái Bình; phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, mới. Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn; chú trọng quản lý tổng hợp, thống nhất các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển tự nhiên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng;... khai thác có hiệu quả và bền vững tài nguyên biển; đặc biệt cần quan tâm, bảo vệ tốt Vườn Quốc gia Xuân Thủy - vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới khu vực đồng bằng sông Hồng, gắn với phát triển du lịch sinh thái.

Tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh; cần có chính sách thu hút lao động trẻ được đào tạo trở lại làm việc tại Nam Định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate