Trước đó, Tòa án phúc thẩm lần 2 năm 2018 đã tuyên y án chung thân đối với Lê Hồng Bàng.
Bản án thể hiện, từ tháng 2 đến tháng 7/2009, Lê Hồng Bàng, Hoàng Văn Cường và Hà Tuấn Linh sử dụng ba pháp nhân là Công ty cổ phàn sàn bất động sản Việt Nam, Công ty Cường Thịnh, Công ty Hoàng Hà ký các hợp đồng liên doanh để tạo dựng tên của các dự án nhà ở: Dự án 683, Dự án Lộc Hòa, Dự án Cửu Long, Dự án Phương Đông tại các địa điểm thuộc xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Dù chưa được chính quyền phê duyệt, Bàng, Cường, Linh vẫn tạo dựng hồ sơ pháp lý; quảng bá giới thiệu bán dự án. Tổng cộng, Lê Hồng Bàng chiếm đoạt 347 tỷ đồng của gần 400 bị hại.
Bản án phúc thẩm hủy phần dân sự, yêu cầu TAND Hà Nội xét xử lại nhằm thu hồi tài sản, bồi thường cho các bị hại
VIỆN KIỂM SÁT ĐỀ NGHỊ THU HỒI ĐẤT, GIAO CHO ĐỊA PHƯƠNG
Vì vậy, tại phiên tòa này, tòa án xem xét đến phần dân sự liên quan đến các tài sản được mua bằng tiền của các bị hại bao gồm khu đất 8,1 ha tại phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội và 14 ha ở đảo Thẻ Vàng, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh.
Theo Viện kiểm sát, qua điều tra xác định, hiện 8,1 ha này vẫn là đất nông nghiệp do UBND phường Minh Khai quản lý và đang cho thuê.
Tương tự, 14 ha đất lâm nghiệp tại đảo Thẻ Vàng cũng được mua bằng tiền chiếm đoạt. Hiện thửa đất vẫn đứng tên chủ cũ.
Viện kiểm sát xác định việc mua bán đất nông nghiệp, lâm nghiệp là trái quy định của pháp luật và đề nghị tòa án tuyên hủy các hợp đồng chuyển nhượng nói trên, giao đất về địa phương quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.
Những người bán đất thừa nhận cầm tiền từ Bàng nhưng đều khai đã chi tiêu, sử dụng hết, không có khả năng trả lại. Đối với vấn đề này, Viện kiểm sát đề nghị giành quyền khởi kiện cho ông Bàng bằng một vụ án dân sự khác khi có yêu cầu.
Tại phiên tòa, ông Lê Hồng Bàng thừa nhận nhờ người khác mua đất 8,1 ha của 34 cá nhân với dự định sau này sẽ làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thực hiện dự án bất động sản.
Chủ tọa phiên tòa công bố lời khai của những người bán đất với nội dung cho thấy họ là người thuê đất nông nghiệp của UBND xã Minh Khai (nay là phường Minh Khai), một số trường hợp có giấy chứng nhận của UBND huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm), một số không.
Các hộ dân bán đất với nhiều mức giá khác nhau nhưng đều là mua bán viết tay, không có chứng nhận của chính quyền địa phương hoặc chưa làm thủ tục sang tên.
LUẬT SƯ KIẾN NGHỊ KÊ BIÊN, BÁN ĐẤU GIÁ ĐẤT
Theo Luật sư Vũ Thị Mai Phương (Đoàn luật sư Hà Nội) - bảo vệ quyền lợi cho các bị hại, cho đến nay, hồ sơ tài liệu, lời khai, các phiên tòa đều cho thấy 2 khu đất được mua bằng tiền của các bị hại đưa cho Lê Hồng Bàng.
Đối với khu đất 8,1 ha ở Hà Nội, có 1,4 ha đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hiện UBND phường Minh Khai đang cho Hợp tác xã Phúc Lý thuê. Còn lại 6,7 ha đất chưa có giấy chứng nhận, cũng được UBND phường quản lý cho thuê.
Vụ án kéo dài hơn 10 năm, điều tra nhiều lần, kết quả điều tra đều ghi nhận các hộ dân bán đất khai đã nhận tiền 21,3 tỷ đồng rồi giao đất, có xác nhận của xã và không có ý kiến gì.
Còn 14 ha ở đảo Thẻ Vàng, Lê Hồng Bàng đưa tiền cho nhân viên đi mua. Hiện thửa đất vẫn đang đứng tên người bán là ông Lục Văn Thạch.
''Đây là vật chứng của vụ án và cần áp dụng nguyên tắc xử lý vật chứng trong vụ án hình sự, kê biên 2 khu đất, bán đấu giá thu hồi tiền để bồi thường cho các bị hại'', luật sư Phương đề nghị.
Nhận sự ủy quyền của 34 bị hại, ông Hoàng Văn Quyết cho biết, hồ sơ vụ án thể hiện, sau khi Mạnh mua 14 ha tại đảo Thẻ Vàng thì đã giao sổ đỏ cho Bàng, có văn bản giao nhận tiền và hợp đồng chuyển nhượng. Khi khám nhà Bàng, cơ quan điều tra đã thu giữ sổ đỏ. Đây là vật chứng của vụ án, là tài sản trong vụ án. Vậy vì sao các phiên tòa đều không giải quyết tài sản này?
Ông Quyết còn nói rằng hồ sơ về khu đất đã bị rút khỏi vụ án giao cho Lê Văn Phương, một nhân viên của Bàng. Sau đó Phương bán lô đất này khi Khu kinh tế Vân Đồn được quy hoạch, đầu tư xây dựng năm 2015-2016.
Ông Quyết cũng mô tả đảo Thẻ Vàng nằm ở trung tâm xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn, khi đảo được quy hoạch 110 ha đất ở thì giá đất ở đây đã tăng rất mạnh.
Còn khu đất 8,1 ha, trong các văn bản quy hoạch về sử dụng đất ở của Hà Nội ban hành trước thời điểm xảy ra vụ án thì 8,1 ha này nằm trong quy hoạch đất đô thị, đất ở và UBND Hà Nội có chủ trương đầu tư xây dựng khu đô thị Minh Khai – Phú Diễn.
Công ty của Lê Hồng Bàng và 2 công ty liên quan đã có công văn xin phép, được UBND TP Hà Nội cấp giấy giới thiệu xuống UBND xã Minh Khai. Chính UBND xã đã giới thiệu địa điểm lập, triển khai thực hiện dự án, đồng ý cho công ty gặp trực tiếp các hộ dân.
Sau đó, công ty tiếp xúc với các hộ dân để mua đất, rồi lập hồ sơ các dự án nhà ở nộp lên UBND Hà Nội hai lần trong năm 2009. Như vậy, dự án không phải là giả. Sau khi Lê Hồng Bàng bị bắt, mọi việc dừng lại.
Về việc mua bán đất với các hộ dân, ông Quyền cho rằng 8,1 ha đất thuộc 100 ha đất ở theo quy hoạch của Hà Nội. Việc mua bán không trái quy định. Nhiều hộ dân đã có sổ, mua bán có xác nhận của chính quyền địa phương.
Vì vậy, ông Quyền cho rằng 2 khu đất là vật chứng vụ án, đề nghị Tòa án thu hồi khu đất, giải quyết quyền lợi cho các bị hại.
Một “mắt xích” trong vụ án này là Hoàng Văn Cường (giám đốc Công ty Cường Thịnh) mới bị truy tố với vai trò đồng phạm với Lê Hồng Bàng. Tuy nhiên, hiện cơ quan tố tụng cũng chỉ xác định Cường chiếm đoạt số tiền của các bị hại là hơn 48,7 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, còn có khoản tiền 162 tỷ đồng nằm trong khoản 347 tỷ đồng do các bị cáo chiếm đoạt của các bị hại. Cường khai nhận đã chỉ đạo Đặng Hoàng Duy (hiện đang bị truy nã) nhận 162 tỷ đồng từ ông Bàng. Cường không biết Duy sử dụng số tiền này như thế nào nên công an tách tài liệu để xử lý sau.