Lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, nhìn chung năm 2021, tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo đúng chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, tính đến cuối tháng 11/2021, cả 5 lĩnh vực đều có mức tăng trưởng cao hơn so với mức tăng trưởng của năm 2020.
Cụ thể, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 12,29%; ước cuối năm 2021, tăng khoảng 13,5% so với cuối năm 2020.
Tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 9,04%; ước cuối năm 2021, tăng khoảng 11,98% so với cuối năm 2020.
Tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 11,30%; ước cuối năm 2021, tăng khoảng 13,32% so với cuối năm 2020.
Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 19,26%; ước cuối năm 2021, tăng 21,52% so với năm 2020.
Tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 18,74%; ước cuối năm 2021, tăng 19,2% so với cuối năm 2020.
Về định hướng điều hành tín dụng trong năm 2022, lãnh đạo Vụ Tín dụng chia sẻ: “Các lĩnh vực đều là trụ đỡ và là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục định hướng và có giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ”.
Liên quan đến vốn tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, tại một cuộc điều tra về xu hướng tín dụng của tổ chức tín dụng mới đây do Vụ Dự báo, Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) tiến hành, các ngân hàng cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022 và cả năm 2022 dự kiến sẽ “nới lỏng nhẹ” tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình và áp dụng với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên.
Cơ sở để dự kiến “nới lỏng” nhẹ tiêu chuẩn tín dụng tiếp tục là kỳ vọng về các yếu tố “triển vọng kinh tế vĩ mô” khả quan, “chính sách và định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước” cùng với “năng lực tài chính của tổ chức tín dụng” được cải thiện.
Trái lại, xu hướng “thắt chặt” hơn với lĩnh vực cho vay có rủi ro cao như “đầu tư kinh doanh chứng khoán”, “đầu tư kinh doanh bất động sản” và “sử dụng thẻ tín dụng” cũng được các tổ chức tín dụng tiếp tục trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, mức độ rủi ro tín dụng tiếp tục được các tổ chức tín dụng dự báo "tăng" trong 6 tháng đầu năm 2022 nhưng được kỳ vọng "giảm nhẹ" trong cả năm 2022.
Trong đó, rủi ro tín dụng của một số lĩnh vực như "cho vay phục vụ nhu cầu đời sống", "đầu tư công nghiệp hỗ trợ"; "cho vay đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp"; "đầu tư ngành vận tải, kho bãi"; "kinh doanh xuất nhập khẩu" và rủi ro tín dụng VND được kỳ vọng điều chỉnh "giảm".
Cũng tại cuộc khảo sát trên, “bán buôn, bán lẻ”; “xuất, nhập khẩu”; “cho vay phục vụ nhu cầu đời sống” và “xây dựng” tiếp tục là 4 lĩnh vực được nhiều đơn vị lựa chọn là động lực chính tăng trưởng tín dụng của hệ thống trong cả năm 2022.