Ngày 19/7, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật tổ chức Hội thảo về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Ngô Quỳnh Hoa cho biết Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 quy định hỗ trợ pháp lý là một trong 08 nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị định 55/2019/NĐ-CP của chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đã xây dựng đội ngũ tư vấn viên pháp luật và trách nhiệm đội ngũ tư vấn viên pháp luật là bảo đảm các điều kiện hành nghề tư vấn pháp luật và thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật liên quan đến tư vấn viên pháp luật.
Ở Việt Nam, tính đến nay, cả nước có khoảng gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến hơn 97%. Nhu cầu hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp là rất lớn, thế nhưng, theo số liệu thống kê, tính đến ngày 30/6/2024 thì cả nước có 18.200 luật sư; 5.400 tổ chức hành nghề luật sư; khoảng 200 trung tâm tư vấn pháp luật.
Hiện chỉ có Bộ Tư pháp, Bộ Công thương đã thiết lập, phê duyệt danh sách tư vấn viên pháp luật, trong đó chủ yếu là các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư (302 tư vấn viên pháp luật của Bộ Tư pháp và 02 tư vấn viên pháp luật của Bộ Công Thương).
Có thể thấy với tỷ lệ chưa đến 1,3% số lượng luật sư, tổ chức hành nghề luật sư tham gia vào mạng lưới tư vấn viên pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thì việc huy động mạng lưới này tham gia tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, để đáp ứng các nhu cầu cho doanh nghiệp là khó khả thi và khó bảo đảm chất lượng.
Về thực trạng hoạt động đội ngũ tư vấn viên, Luật sư Hoàng Ngọc Biên nêu rõ trong những năm qua, đội ngũ tư vấn viên hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hầu như không có khách hàng, khi xảy ra vấn đề pháp lý doanh nghiệp tìm đến luật sư là chủ yếu.
Do đó, để phát huy hoạt động đội ngũ tư vấn viên cần có giải pháp căn cơ để khẳng định vị thế, vai trò của đội ngũ tư vấn viên; đồng thời cần công khai, công nhận đội ngũ chuyên gia tư vấn viên tại các bộ, ngành; cần có cơ chế riêng để đội ngũ tư vấn viên hoạt động hiệu quả.
Còn theo luật sư Phạm Ngọc Hải, Hội Luật gia Việt Nam cần phải có phương thức liên kết đội ngũ tư vấn viên pháp luật trên cả nước, đồng thời nên thống nhất tập trung đầu mối quản lý đội ngũ tư vấn viên pháp luật; phải có giải pháp cụ thể đưa Nghị định 55/2019/NĐ-CP vào cuộc sống.
Theo luật sư Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp phải có quy trình đăng ký, công nhận, công bố danh sách các tư vấn viên pháp lý đủ điều kiện tham gia mạng lưới tư vấn viên cho doanh nghiệp, phân cấp quản lý đối với đội ngũ tư vấn viên pháp luật.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2019/NĐ-CP, luật sư Nguyễn Duy Lãm cho rằng cần bổ sung đối tượng được ưu tiên trợ giúp pháp lý như: doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nằm trong khu vực vùng sâu, vùng xa...; thay đổi quy định các định mức chi phí tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp hơn; rút ngắn thời gian xử lý yêu cầu trợ giúp pháp lý của doanh nghiệp; xem xét, đơn giản hóa quá trình xử lý thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến khác cho rằng cần phải tạo điều kiện thuận lợi trong quy định về thủ tục, hồ sơ thực hiện thanh toán chi phí tư vấn pháp lý; mở rộng, tạo điều kiện về đối tượng, yêu cầu tham gia đội ngũ tư vấn viên pháp luật.
Có quy định, hướng dẫn cụ thể cơ chế kiểm soát, kiểm duyệt văn bản tư vấn pháp luật của tư vấn viên pháp luật.
Có cơ chế, chính sách về thù lao, khen thưởng động viên, khích lệ sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của mạng lưới tư vấn viên pháp luật, nhất là quy định đặc thù cho việc xây dựng, phát triển tư vấn viên pháp luật tại các địa phương, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.