Sáng 15/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng thực hiện Chương trình giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.
Mục tiêu của Hội nghị nhằm giúp các phóng viên, nhà báo của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đứng chân trên địa bàn Đà Nẵng những kinh nghiệm, kỹ năng về thông tin ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó tăng cường hơn nữa sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan báo chí; từ đó ngày càng nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo về thông tin ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hồ Hồng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết ngày 18/01/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ triển khai dự án Giảm nghèo về thông tin.
Để triển khai hiệu quả Chương trình này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 606/QĐ-BTTTT ngày 12/4/2023 và Kế hoạch tập huấn nâng cao năng lực thực hiện Chương trình giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Ông Hồ Hồng Hải nhấn mạnh lớp tập huấn lần này là nhằm thực hiện mục tiêu cụ thể của Đề án là nâng cao năng lực truyền thông; kỹ năng viết bài cho các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo đài Trung ương và địa phương trong việc thông tin, tuyên truyền về các nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu cho xã hội, nhất là cung cấp thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, thông tin cho người dân sinh sống trên địa bàn các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại Hội nghị tập huấn, báo cáo viên Đinh Xuân Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (thuộc Ủy ban Dân tộc) đã cung cấp cho các phóng viên, nhà báo các những nội dung cơ bản của 2 chuyên để: Một số chính sách hỗ trợ tiếp cận thông tin đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025; và Chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước Việt Nam về dân tộc, miền núi.
Ông Thắng cho biết, nước ta có 53 dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở vùng miền núi (chiếm 3/4 diện tích cả nước), dân số khoảng 14,1 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Những vùng này thường là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhưng lại có vị trí chiến lược quan trọng. Chính vì vậy, việc tăng cường thông tin tuyên truyền cho đồng bào ở các khu vực này là rất quan trọng.
Theo ông Thắng, tiêu chí để xác định mức độ nghèo thông tin trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được xác định qua việc sử dụng dịch vụ viễn thông; các phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin của các hộ gia đình. Cụ thể, hộ gia đình nghèo về thông tin là gia đình không có thành viên nào sử dụng dịch vụ internet, không có phương tiện nào trong số các phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin như tivi, radio, máy tính để bàn, điện thoại; cá nhân không có máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh. Vì vậy, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần phải được đầu tư thêm về thiết bị cũng như phương tiện tiếp cận thông tin tại các gia đình và mỗi cá nhân...
Ngoài các nội dung của 2 chuyên đề nêu trên, báo cáo viên Đinh Xuân Thắng cũng gợi mở, cùng chia sẻ những kinh nghiệm về kỹ năng viết bài, truyền thông về đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với các phóng viên, nhà báo của các cơ quan báo chí truyền thông trên địa bàn Đà Nẵng.
Với những thông tin hữu ích trên, Ban tổ chức Hội nghị hy vọng rằng lớp tập huấn này sẽ giúp tăng cường hơn nữa sự hiểu biết của các phóng viên, nhà báo về mục tiêu, nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan báo chí; từ đó ngày càng nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo về thông tin.