Huyện Thường Tín, Hà Nội là một trong những nơi tập trung của làng nghề truyền thống về gỗ, điêu khắc, sơn mài, thêu… Các hộ kinh doanh, tiểu thương nhiều năm qua đã quen với việc mua bán truyền thống tại nơi sản xuất kinh doanh cũng bắt đầu cập nhật công nghệ hiện đại, tham gia mua bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử thông qua những dự án hỗ trợ ý nghĩa từ Trung tâm hỗ trợ cộng đồng EkoCenter.
HỘ KINH DOANH ÁP LỰC TRƯỚC SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
“Vài năm gần đây bán hàng online phát triển rất mạnh, hầu như các sơ sở kinh doanh buôn bán theo cách truyền thống đều tìm hiểu và chuyển dần qua bán hàng trên các ứng dụng bán hàng”, chị Ngọc Diễm, Hội viên Hội phụ nữ xã Duyên Thái, Thường Tín chia sẻ.
Theo chị Diễm, việc bán hàng online như bán trực tiếp trên livestream thường đòi hỏi phải có kỹ năng đàm thoại và phải làm việc liên tục trong vài giờ nên những tiểu thương lớn tuổi khó thích nghi với cách thức buôn bán mới này.
Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ (HLHPN) huyện Thường Tín, Hà Nội chia sẻ: “Ở nông thôn bị hạn chế nhiều về internet. Vì không rành về công nghệ nên khá khó khăn để bà con học được cách sử dụng các ứng dụng bán hàng cũng như kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử”. Nhìn thấy thực trạng này, Ủy ban Nhân dân và HLHPN xã Duyên Thái và HLHPN huyện Thường Tín, Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng EkoCenter tổ chức các khóa huấn luyện về kỹ năng thương mại điện tử cho phụ nữ kinh doanh tại địa bàn.
NHU CẦU HIỂU BIẾT VỀ CÔNG NGHỆ VÀ KINH DOANH TRỰC TUYẾN TĂNG CAO
Dạo quanh các khu chợ, nhiều ki-ốt cơ sở kinh doanh tại nhà gần đây sẽ thấy cảnh tiểu thương vừa tiếp khách tới mua hàng tại chợ vừa tranh thủ lúc rảnh tiếp khách trên ứng dụng bán hàng.
“Những lúc vắng khách, mình tranh thủ chụp hình các sản phẩm mới đăng trên các ứng dụng bán hàng. Nhiều khách phương xa biết đến cơ sở của mình vì hàng có thể làm nhanh, linh động theo mẫu mã và kích thước khách mong muốn; còn việc giao hàng và thu tiền đã có bên ứng dụng hỗ trợ. Chính vì thế hàng tháng mình vẫn có thu nhập qua việc bán hàng trên online”, chị Thu Nguyên, chủ hộ kinh doanh các sản phẩm thêu thủ công bật mí cách kiếm thêm đơn hàng.
Được biết, tại Hà Nội, từ năm 2023 thông qua hợp tác cùng HLHPN xã Duyên Thái, Trung tâm hỗ trợ cộng đồng EkoCenter do Công ty Coca-Cola Việt Nam thành lập đã bắt đầu tổ chức các khóa khuấn luyện về thương mại điện tử cho hội viên hội phụ nữ và cộng đồng. Không chỉ học lý thuyết, các học viên tham gia Hội nghị tập huấn còn được thực hành kỹ năng livestream, áp dụng đăng ký mua bán sản phẩm của mình ngay trên các sàn thương mại.
Trung tâm hỗ trợ cộng đồng EkoCenter Hà Nội từ khi thành lập từ năm 2016 đến nay đã dựa trên các nhu cầu thực tế của các hội viên hội phụ nữ, trực tiếp mang đến nhiều cơ hội nâng cao năng lực kinh tế của phụ nữ địa phương thông qua mô hình ki-ốt bán hàng ngay tại EkoCenter, các lớp dạy nghề và nâng cao năng lực kinh tế cho phụ nữ như: Lớp đào tạo phát triển nghề mây tre đan, Lớp đào tạo nghề điêu khắc gỗ và Lớp nghề thêu ren mỹ thuật…
“Trong nhiều năm qua, EkoCenter Hà Nội không chỉ chăm lo đời sống của cộng đồng như cung cấp nước tinh lọc, wifi, sân thể dục thể thao, nhà sinh hoạt cộng đồng, máy vi tính… mà còn quan tâm lâu dài đến việc nâng cao kỹ năng kinh tế độc lập cho phụ nữ. Các khóa đào tạo về công nghệ được tổ chức gần đây rất được bà con chào đón vì mang đến hiệu quả thực tế trong việc tăng thêm thu nhập và cải thiện đời sống của các chị em”, chị Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HLHPN Xã Duyên Thái chia sẻ.
ĐA DẠNG SẢN PHẨM LÀNG NGHỀ TRÊN SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Trong gần một năm tổ chức các khóa huấn luyện, hơn 800 hội viên hội phụ nữ đã tiếp nhận thông tin tổng quan về cách thức vận hành hiệu quả cửa hàng kinh doanh trực tuyến trên các sàn giao dịch thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam.
Chị Nguyễn Thị Thành, chủ hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm chăn ga gối đệm cho biết: “Nhiều bạn bè tiểu thương của mình tham gia khóa học về livestream, và đã thành công khi bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Hiện tại mình đang cũng áp dụng bán hàng trên trên Shopee và sử dụng quảng cáo trên Facebook”.
Chủ shop thời trang Kim Ánh, hội viên phụ nữ tham gia khóa học, cũng cho biết: “Trước kia, tôi cứ tưởng mình không thể nào bán hàng livestream được vì lớn tuổi và không biết nói gì khi đứng trước điện thoại. Tuy nhiên, sau khi tham gia khóa học thì tôi tự tin hơn hẳn. Các sản phẩm thủ công mây đan tre, hay sơn mài, gốm sứ cũng có thể mang lên bán trên các ứng dụng điện tử, livestream, để có thể “chốt” đơn liên tục. Tôi nghiệm ra rằng ra bán hàng trực tuyến cũng không khó như tôi nghĩ.”
Không chỉ là “mái nhà chung” hỗ trợ đời sống của bà con của riêng xã Duyên Thái, Trung tâm hỗ trợ cộng đồng EkoCenter còn là một dự án trọng điểm được Công ty Coca-Cola Việt Nam xây dựng tại các tỉnh thành khác của Việt Nam. Với mục tiêu mang đến những khác biệt tích cực cho cộng đồng, Coca-Cola Việt Nam không ngừng chuyển đổi để nâng cao kỹ năng kinh tế độc lập cho phụ nữ, giúp họ bắt nhịp và tận dụng sức mạnh của thời đại mới, có khả năng làm chủ cuộc sống của chính mình, từ đó tác động tích cực đến cộng đồng và mọi người xung quanh thông qua “mái nhà chung” EkoCenter tại Hà Nội và các địa phương khác trên toàn quốc.