VnEconomy phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Vận hành, Dịch vụ Khoán việc & Cho thuê lại lao động, ManpowerGroup Việt Nam xung quanh câu chuyện việc làm, thị trường lao động trong dòng chảy thông tin trên báo chí hiện nay.
Với góc nhìn từ một chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự, ông nhận thấy việc truyền thông về lĩnh vực nhân lực, việc làm trên các tờ báo hiện nay đã có những thay đổi gì, và có hiệu quả ra sao, thưa ông?
Các phương tiện truyền thông báo chí hiện nay đã có sự chuyển dịch đáng kể trong tốc độ truyền tin, đa dạng hóa các sản phẩm và chất lượng tin tức, thể hiện qua tính khách quan, trung thực và đáng tin cậy, không bẻ cong sự thật của thông tin.
Trước hết là tốc độ. Bên cạnh những loại hình báo chí truyền thống như báo in, báo điện tử, báo hình, phát thanh, các cơ quan báo chí, truyền thông đã đẩy mạnh xuất bản tin tức bằng những sản phẩm mới, đặc biệt là trên môi trường số. Điều đó đồng nghĩa, những tin tức mới nhất, những chính sách, phân tích mới nhất sẽ được truyền tải nhanh hơn, tới nhiều người hơn.
Nâng cao trải nghiệm người dùng trong thời đại mới cũng đã được cơ quan báo chí chú trọng. Những báo cáo, phân tích với nhiều số liệu khô khan nay đã trở nên sinh động qua các bài Infographic, tin đồ họa, tin video. Điều này góp phần giúp người lao động tiếp cận dễ dàng.
Các tờ báo hiện nay cũng đang chuyển mình thay đổi theo hướng ứng dụng công nghệ vào sản xuất tin bài, truyền tải thông tin, để đem đến khả năng dễ nhận diện, dễ tiếp cận và gần gũi hơn với bạn đọc. Liệu chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ có phải là xu hướng, cũng như một trong những giải pháp để truyền thông các chính sách, trong đó có lĩnh vực nhân lực, việc làm đến được nhiều lao động hơn, thưa ông?
Hiện nay việc sử dụng công nghệ Dữ liệu lớn Big Data hay Trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực báo chí không còn xa lạ.
Nhiều báo chí đã sử dụng Big Data để phân tích xu hướng, nhu cầu của độc giả, từ đó đem đến những tin tức, nội dung độc giả cần. Ví dụ, trong lĩnh vực lao động, độc giả ở các khu công nghiệp sẽ có nhu cầu khác với độc giả tại khu vực thành thị.
Do đó ở khu vực khác nhau, những đề xuất hiển thị trên nền tảng số, không gian số của các cơ quan báo chí, truyền thông cũng nên khác nhau. Tin tức được đề xuất ở các khu vực khu công nghiệp sẽ có thể liên quan đến các lĩnh vực như sản xuất, chế biến, chế tạo xuất nhập khẩu.
Trong khi đó tin tức được đề xuất ở các khu vực thành thị có thể nhiều hơn về các lĩnh vực như đời sống số, thời trang, giải trí, ẩm thực...
Bên cạnh đó, Trí tuệ nhân tạo (AI) đang được ứng dụng mạnh mẽ để giúp nâng cao chất lượng báo chí, hỗ trợ rất nhiều cho đội ngũ biên tập viên và nhà báo. AI giúp tổng hợp các dữ liệu, qua đó đẩy nhanh quá trình hoàn thiện các tác phẩm báo chí.
AI cũng được ứng dụng để gia tăng trải nghiệm cho độc giả như hình thức chuyển tin tức từ dạng văn bản sang dạng phát thanh giúp độc giả vẫn nghe trọn vẹn bài báo trong lúc làm các công việc khác.
Vậy để việc truyền thông các vấn đề về nhân sự, tuyển dụng lao động, việc làm có thể đem lại những hiệu quả tốt hơn, ông sẽ góp ý điều gì?
Chúng ta đều biết lực lượng lao động vô cùng quan trọng với bất kỳ quốc gia nào. Do đó chỉ một tác động dù nhỏ đến nhóm này có thể tạo nên những hệ quả to lớn. Nếu chúng ta truyền thông tốt, đem lại hiệu quả sẽ tạo nên những giá trị lớn lao.
Nhưng ngược lại, chỉ cần có những thông tin thiếu chính xác sẽ tạo nên hệ lụy khôn lường. Do đó việc truyền thông cho đúng, cho trúng là vấn đề chúng tôi cực kỳ quan tâm.
Như đã nói ở trên, chúng tôi mong muốn những tin tức, phân tích về thị trường bằng cách nào đó càng nhanh càng tốt đến với người lao động. Do đó các cơ quan báo chí, truyền thông nên tạo những mô hình xuất bản tiết kiệm thời gian nhất, có sự tiếp cận rộng rãi nhất.
Nhiều người lao động có rào cản về khả năng tiếp cận thông tin vì điều kiện địa lý, kỹ năng số, thu nhập hạn chế… nên cần có những cách thức tiếp cận thông tin một cách dễ dàng.
Với các tin tức trong lĩnh vực việc làm, lao động cần có sự đa dạng trong cách thể hiện, nội dung cần dễ hiểu, dễ tiếp cận, rõ ràng, rành mạch. Các số liệu trong các bài phân tích có thể được minh họa bằng các biểu đồ, đồ họa và tăng tính tương tác hơn.
Chúng tôi mong muốn các cơ quan báo chí cùng với các doanh nghiệp, những cơ quan tư vấn, tham mưu làm chính sách thường xuyên tạo nên những cổng thông tin, diễn đàn, đối thoại mở để minh bạch hóa thông tin trên thị trường lao động.
Với một tờ báo kinh tế như VnEconomy, chúng tôi nhận thấy hiện nay các thông tin của báo điện tử VnEconomy và báo giấy đang được truyền tải một cách rõ ràng, dễ hiểu và dễ tiếp cận. Theo cá nhân tôi, trước hết, VnEconomy có thể cân nhắc việc phát triển thêm nhiều định dạng nội dung và khuyến khích tương tác nhiều hơn.
Thứ hai, VnEconomy có thể tận dụng nguồn nội dung cho chính người dùng tạo ra, nhằm tạo nên những ý kiến đa chiều về vấn đề cũng như tăng nhận diện và độ phổ biến cho báo điện tử.
Thứ ba, ứng dụng các công cụ số để giúp đo lường trải nghiệm của người dùng trên các nền tảng một cách thường xuyên, từ đó, cải tiến và tối ưu hóa liên tục giao diện thông tin sao cho phù hợp nhất với các đối tượng khác nhau, lý tưởng nhất là tiến tới cá nhân hóa trải nghiệm thông tin của người đọc.