September 07, 2023 | 07:25 GMT+7

Năng lượng và năng lực số: Hai yếu tố tiên quyết cần chuẩn bị cho tương lai của Việt Nam

Hoàng An -

Trên hành trình nỗ lực thực hiện mục tiêu của chính phủ trở thành nước phát triển vào năm 2045, Việt Nam phải giải quyết nhu cầu ngày càng gia tăng đối với hai thành tố quan trọng: lực lượng lao động số có năng lực và nguồn cung năng lượng đáng tin cậy…

Cùng với thách thức thiếu hụt năng lượng là tình trạng khan hiếm nguồn lao động có năng lực số, thành tố có thể được coi là quan trọng nhất trong việc phát triển các thành phố thông minh.
Cùng với thách thức thiếu hụt năng lượng là tình trạng khan hiếm nguồn lao động có năng lực số, thành tố có thể được coi là quan trọng nhất trong việc phát triển các thành phố thông minh.

Nhu cầu tiêu thụ điện ở các đô thị trong nước liên tục tăng và tháng 5 vừa qua, một số nơi đã phải tiết giảm đèn chiếu sáng công cộng để "nhường” năng lượng cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt.

Nhu cầu năng lượng của cả nước tăng vọt được cân bằng bởi cam kết của chính phủ nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, từ đó cho thấy yêu cầu quan trọng cần phát triển những nguồn năng lượng bền vững để đảm bảo sự phát triển liên tục của các đô thị Việt Nam.

Cùng với thách thức thiếu hụt năng lượng là tình trạng khan hiếm nguồn lao động có năng lực số, thành tố có thể được coi là quan trọng nhất trong việc phát triển các thành phố thông minh.

Kỹ năng số của Việt Nam chỉ đạt vị trí thấp trên một số bảng xếp hạng. Xếp hạng kỹ năng số của Việt Nam trong hạng mục Kiến thức toàn cầu theo Chỉ số Năng lực cạnh tranh nhân tài toàn cầu năm 2022 là 82/133. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết chỉ có 11% lực lượng lao động trong nước có kỹ năng cao.

Tại Diễn đàn Thành phố thông minh và bền vững được tổ chức bởi Đại học RMIT phối hợp với Sở Công thương và Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh mới đây, Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Phó giám đốc Viện nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh khẳng định, “kinh tế xanh là chiến lược để phát triển bền vững hơn, đòi hỏi sự hợp tác tập thể”.

“Chúng ta cần các nguồn lực xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau, từ hợp tác công tư đến việc cùng chia sẻ nguồn lực như phần nào đã được chỉ ra trong Nghị quyết 98. Đặc biệt, hợp tác quốc tế rất cần thiết, vì đây là những vấn đề mới mà kinh nghiệm và nguồn lực của chúng ta sẽ được cộng hưởng và phát triển nhanh hơn nếu có sự phối hợp nhiều trên thế giới”, Tiến sĩ Vũ nhấn mạnh.

Chia sẻ về phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, Phó giáo sư Vũ Minh Khương đến từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhấn mạnh, thành tựu phát triển năng lượng tái tạo thành công ở Việt Nam phụ thuộc vào sự tương tác năng động và hiệu ứng tương hỗ lẫn nhau của quản trị quốc gia hiệu quả, lựa chọn kinh doanh có tầm nhìn và các cơ chế được thiết kế tốt nhằm thúc đẩy tiến bộ liên tục. “Quan trọng là Việt Nam duy trì cam kết đối với những yếu tố này, tạo môi trường thúc đẩy đổi mới công nghệ và các hoạt động bền vững”, PGS.Khương nói.  

Để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, trong tương lai ngắn hạn đòi hỏi phải xây dựng thêm năng lực và đào tạo số để lực lượng lao động được trang bị phù hợp cho một thế giới đang phát triển nhanh chóng.

Giáo sư Robert McClelland, Trưởng khoa Kinh doanh Đại học RMIT chia sẻ, bên cạnh nhu cầu nâng cao khả năng của lực lượng lao động là nhu cầu cần năng lượng hơn. Chính phủ đã dự báo nhu cầu điện sẽ tăng trung bình từ 8,5% - 9% mỗi năm cho đến 2025.

“Trên thực tế, năng lực số và năng lượng tái tạo có quan hệ cộng sinh. Lực lượng lao động của chúng ta cần năng lượng bền vững hơn để có năng lực số tốt hơn và xây dựng các thành phố kết nối và tiên tiến trong tương lai. Ngược lại, khi lực lượng lao động được trang bị kiến thức tiên tiến hơn, họ sẽ dễ dàng giúp phát triển cơ sở hạ tầng cho việc sản xuất năng lượng bền vững hơn”, Giáo sư McClelland nhấn mạnh.

Theo Phó giáo sư Nguyễn Quang Trung, Chủ nhiệm nhóm bộ môn Quản trị tại Đại học RMIT, không có lối tắt nào để nâng cao lực lượng lao động số của Việt Nam. Thay vào đó, cần triển khai một kế hoạch dài hạn.

Ông đề xuất sáu bài học rút ra từ các nước như Singapore, Hàn Quốc, Phần Lan và Estonia. Thứ nhất là giáo dục: Ưu tiên tích hợp các kỹ năng số, tiếp xúc sớm với viết code và tư duy máy tính. Thứ hai là các sáng kiến của chính phủ trong đó thúc đẩy năng lực số thông qua các kế hoạch tổng thể, đào tạo và học trực tuyến.

Thứ ba là kiến thức số cho mọi người, cụ thể là thúc đẩy kiến thức số cho mọi nhóm tuổi, bao gồm cả người già. Thứ tư là chuyển đổi số toàn diện thông qua hợp tác công-tư và sự tham gia của các bên liên quan. Thứ năm là nhấn mạnh vào việc học tập liên tục, hỗ trợ nâng cấp kỹ năng số. Cuối cùng là nắm bắt tính linh hoạt, tư duy thiết kế và đổi mới để thúc đẩy xã hội số.

Ông Lê Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn giao dịch tại PwC Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh bất định, những kỹ năng như sự linh hoạt, giải quyết vấn đề và lãnh đạo có thể giúp người Việt Nam tự tin đối mặt với các thách thức.

“Các công ty thực hiện nhiều biện pháp để trang bị cho lực lượng lao động sẵn sàng trước thế giới số. Năm bước mà các nhà lãnh đạo nên xem xét bao gồm: (1) gắn kết và truyền cảm hứng cho nhân viên, (2) xác định khoảng cách giữa kỹ năng và sự không phù hợp, (3) phát triển và thực hiện nâng cao kỹ năng, (4) biến văn hóa công ty thành chất xúc tác cho thay đổi, và (5) đầu tư xây dựng năng lực lãnh đạo chuyển đổi”, ông Tuấn cho biết.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate