February 25, 2023 | 08:16 GMT+7

Năng suất lao động Việt Nam: Dưới góc nhìn tốc độ tăng và mức tuyệt đối

Hiểu Minh

Năng suất lao động là chỉ tiêu có tầm quan trọng hàng đầu, cùng với hiệu quả đầu tư và các yếu tố năng suất tổng hợp khác, dựa trên khoa học - công nghệ, tạo nên chất lượng tăng trưởng...

Quan hệ giữa tốc độ tăng và mức tuyệt đối không chỉ thể hiện ở năng suất lao động, mà có tính phổ biến đối với nhiều chỉ tiêu khác của Việt Nam (như GDP…). Khi mức tuyệt đối thấp, thì tốc độ tăng là con đường để tăng mức tuyệt đối, nhằm tránh tụt hậu xa hơn. Tuy nhiên, không vì tốc độ tăng cao mà chủ quan, thỏa mãn khi mức tuyệt đối còn thấp, vì giá trị tuyệt đối của 1% tăng lên rất khác nhau giữa các ngành, lĩnh vực, vùng hay các nền kinh tế khác nhau, nhất là đối với Việt Nam, là nước đang phát triển, còn ở nhóm nước có thu nhập trung bình thấp.

XÉT DƯỚI GÓC ĐỘ TỐC ĐỘ TĂNG 

Trước hết, Tổng cục Thống kê hiện chưa công bố trên Niên giám Thống kê về tốc độ tăng năng suất lao động (tính theo giá so sánh) - một chỉ tiêu kế hoạch rất quan trọng, mà chỉ công bố mức năng suất lao động tính theo giá thực tế, tuy cũng rất quan trọng nhưng ít có tính so sánh giữa các năm vì phụ thuộc vào giá cả của Việt Nam và so sánh với thế giới. Do đó, bài viết này tạm tính tốc độ tăng năng suất lao động thông qua việc chia chỉ số phát triển GDP (theo giá so sánh) cho chỉ số tăng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân (được bao nhiêu trừ đi 100%) sẽ ra tốc độ tăng năng suất lao động theo giá so sánh. Theo đó, tốc độ tăng năng suất lao động theo giá so sánh của Việt Nam trong một số năm gần đây và mục tiêu kế hoạch 2023 được thể hiện ở biểu đồ 1.

Tốc độ tăng năng suất lao động (tính theo giá so sánh) của Việt Nam thuộc loại cao do nhiều nguyên nhân.

Một là, do tỷ lệ lao động qua đào tạo (có bằng, chứng chỉ) liên tục tăng lên. Theo Tổng cục Thống kê,  năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ ở mức 14,7% trên tổng lực lượng lao động, thì năm 2015 đã tăng lên mức 20,4%, 2019 là 22,8%, 2020 là 24,1%, 2021 và 2022 đạt 26,1% và 26,2%, kế hoạch năm 2023 sẽ đạt mức 27,5%.

Kết quả năm 2022 tạo tiền đề để kỳ vọng đạt 27,5% theo kế hoạch năm 2023. Trong kết quả của năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo của nam cao hơn của nữ; của thành thị cao gấp đôi nông thôn; của lứa tuổi 25-34 cao gấp rưỡi tỷ lệ chung; của trình độ đại học trở lên cao nhất (11,7%), tiếp đến sơ cấp (6,8%), trung cấp (4,1%), cao đẳng (3,6%); của các địa phương, có 12 tỉnh, thành phố đạt trên 30%, trong đó có 5 địa phương đạt trên 35% (cao nhất là Hà Nội: 50,3%, tiếp đến là Đà Nẵng: 48,1%, Quảng Ninh: 41,4%, Hải Phòng: 36%, TP.Hồ Chí Minh: 35,6%).

Tuy nhiên, có 24 địa phương chỉ đạt dưới 20%, trong đó có 7 địa phương chỉ đạt dưới 15% (thấp nhất là Bạc Liêu (10,7%), Trà Vinh (10,8%), Sóc Trăng (11,9%),…

Theo ngành kinh tế, có 15/21 ngành có tỷ lệ lao động qua đào tạo cao hơn tỷ lệ chung, trong đó có 11 ngành đạt khá cao (trên 50%), đặc biệt có 10 ngành đạt rất cao (y tế: 92,4%; giáo dục, đào tạo: 91,7%; hoạt động của các tổ chức và cơ quan quốc tế: 89,3%; hoạt động Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, quản lý nhà nước: 88%; tài chính - ngân hàng, bảo hiểm: 86,8%; thông tin và truyền thông: 86,3%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ: 84,8%; vận tải kho bãi: 65,1%; khai khoáng: 63,4%). Tuy nhiên, tỷ lệ trên của nhiều ngành thấp hơn tỷ lệ chung. Đáng lưu ý, tỷ lệ lao động qua đào tạo của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản quá thấp (năm 2021 là 4,1%, còn giảm so với 4,3% năm 2015); của công nghiệp chế biến, chế tạo tăng chậm, hiện ở mức thấp (năm 2015 là 18%, 2021 là 23,6%); của ngành xây dựng năm 2021 chỉ đạt 14,4%, giảm so với 15% năm 2015.

Hai là, do chuyển dịch cơ cấu lao động theo nhóm ngành (biểu đồ 2).

Năng suất lao động Việt Nam: Dưới góc nhìn tốc độ tăng và mức tuyệt đối - Ảnh 1

Nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản có mức năng suất lao động thấp nhất (năm 2015 chỉ bằng 38,5% năng suất chung, bằng 38,5% năng suất lao động nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thấp nhất trong 21 ngành); đã giảm tỷ trọng số lao động đang làm việc từ mức cao nhất trong 3 nhóm ngành năm 2015 xuống mức thấp nhất trong năm 2022.

Các ngành trong nhóm ngành công nghiệp - xây dựng có năng suất lao động cao hơn năng suất chung, cao gấp  nhiều lần năng suất lao động của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản và cao hơn năng suất lao động của nhóm ngành dịch vụ, nên tỷ trọng lao động đang làm việc đã tăng và nhóm ngành công nghiệp - xây dựng có tỷ trọng tăng nhanh nhất (năm 2022 so với năm 2015, tỷ trọng tăng trên 10 điểm phần trăm).

Nhóm ngành dịch vụ có mức năng suất lao động cao thứ hai trong 3 nhóm ngành, cao hơn mức năng suất chung, cao hơn mức năng suất lao động của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản. Tuy nhiên, do mức năng suất lao động của nhóm ngành dịch vụ thấp hơn của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng, nhưng đang chiếm tỷ trọng số lao động đang làm việc cao nhất và cao hơn của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng 5,3 điểm phần trăm cần được xem lại. Tuy nhóm ngành dịch vụ nhìn chung có quy mô nhỏ, dễ điều chỉnh…, nhưng công nghiệp - xây dựng là ngành kinh tế thực, lại có năng suất lao động cao nhất và Việt Nam đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với mục tiêu đến 2025 có công nghiệp theo hướng hiện đại,…

Ba là, do chuyển dịch cơ cấu theo trình độ công nghệ của công nghiệp chế biến chế tạo.

Có 4 nhận xét đáng chú ý: (1) Năm 2021, tỷ trọng của công nghệ cao tăng so với năm 2015, tương ứng của công nghệ thấp và công nghệ trung bình giảm. Đó là xu hướng tích cực. (2) Tỷ trọng về vốn sản xuất kinh doanh, tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn, doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế cao gấp nhiều lần tỷ trọng về số doanh nghiệp, điều đó chứng tỏ ưu thế của công nghệ cao. (3) Tỷ trọng công nghệ cao về doanh thu thuần và  về lợi nhuận trước thuế còn lớn hơn tổng của 2 trình độ còn lại. (4) Tỷ trọng về một số chỉ tiêu còn thấp và tăng chậm (như số doanh nghiệp, số lao động,…). Hơn nữa, thuộc nhóm trình độ cao chủ yếu là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, còn khu vực trong nước chủ yếu ở nhóm trình độ công nghệ thấp hoặc trung bình.

Bốn là, do tốc độ tăng số lao động đang làm việc có xu hướng chậm lại, đặc biệt vào năm 2020, 2021 còn bị giảm do tác động của đại dịch Covid-19. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tốc độ tăng số lao động đang làm việc ở năm 2015 đạt mức 0,15%, thì năm 2016 đã tăng lên mức 0,44%, năm 2017 đạt 0,68%, năm 2018 tăng cao (đạt 1,07%), nhưng đến năm 2019 đã giảm đáng kể (còn 0,69%), năm 2020, 2021 do tác động của đại dịch Covid-19 nên đã giảm sâu (năm 2020: -1,92%, năm 20212: -8,46%); tuy nhiên sang năm 2022, tốc độ này đã tăng cao, ước đạt 3,07%.

Tốc độ tăng số lao động đang làm việc nếu cách đây vài ba thập kỷ thường ở mức rất cao (bình quân năm thời kỳ 1991-1995 tăng 2,33%, thời kỳ 1996-2000 tăng 2,34%, thời kỳ 2001-2005 tăng 2,9%, thời kỳ 2006-2010 tăng 2,77%, thời kỳ 2011-2015 tăng 1,57%, thì từ 2015 đến nay ở mức rất thấp. Số lao động tăng thấp có một phần do tỷ suất sinh, tỷ lệ tăng tự nhiên dân số chậm lại. Tỷ suất sinh giảm từ 18,6‰ năm 2005, 17,1‰ năm 2010 giảm còn 15,7‰ năm 2021. Tỷ lệ tăng tự nhiên từ trên dưới 10‰ trong năm 2019, 2020, đến năm 2021 còn 9,3‰, 2022 còn 7,9‰). Trong 2 năm gặp đại dịch Covid-19, số lao động đang làm việc còn bị giảm, nhất là năm 2021 còn bị giảm sâu. Đáng chú ý, giảm sâu chủ yếu là lao động nhập cư hoặc lao động có trình độ kỹ thuật không cao.

Riêng năm 2022, theo Báo cáo của Chính phủ cho rằng tốc độ tăng năng suất lao động không đạt mục tiêu cần được các ngành rà soát kỹ hơn, bởi nếu GDP giá so sánh tăng 8,02%, tốc độ tăng số lao động đang làm việc ước tăng 3,07%, tính ra tốc độ tăng năng suất lao động theo giá so sánh sẽ là 4,8%.

Quý vị độc giả có thể đặt mua ấn phẩm Kinh tế 2022-2023: Việt Nam và Thế giới tại đây.

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Năng suất lao động Việt Nam: Dưới góc nhìn tốc độ tăng và mức tuyệt đối - Ảnh 2
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate