GVR tăng mạnh, VIC, VNM được kéo giật lên trong đợt ATC đã giúp VN-Index tăng 4,47 điểm, trong khi VN30-Index vẫn giảm 0,55 điểm. 23 cổ phiếu sàn HoSE kịch trần, chưa kể 28 mã bên HNX, xác nhận nhóm cổ phiếu nhỏ vẫn cực nóng.
Khả năng nâng đỡ các cổ phiếu vốn hóa lớn giúp VN-Index diễn tiến không kém đi trong phiên chiều, dù có một nhịp giảm khá dài. Tuy nhiên chỉ số VN30-Index thì yếu hơn đáng kể, ngay sau 2h đã thủng mức tham chiếu.
Các trụ nâng đỡ chỉ số sàn HoSE có thể chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất với đại diện như GVR, SAB, duy trì mức tăng trong cả phiên giữ cho VN-Index không bị trượt dốc quá mạnh. Nhóm thứ hai với đại diện như VIC, VNM, tuy có giảm trong phiên nhưng được giật giá tăng cao hơn đợt ATC, đỡ VN-Index không thủng tham chiếu.
GVR là cổ phiếu mạnh nhất trong nhóm trụ của VN-Index hôm nay khi duy trì độ cao ổn định buổi chiều. Tuy chưa phải là “siêu vốn hóa” nhưng GVR cũng thuộc Top 10 của VN-Index. Tăng 3,23% đỡ cho VN-Index tới gần 1,3 điểm. Điểm bất lợi chính là GVR chỉ kéo được 0,2 điểm cho VN30-Index.
SAB cũng tương tự, mức tăng được duy trì tốt cả ngày, càng về cuối càng tăng khỏe và đóng cửa trên tham chiếu 2,96%. Lợi thế của SAB vẫn là thanh khoản rất nhỏ. SAB giúp VN-Index có 0,8 điểm nhưng chỉ kéo VN30-Index chưa tới 0,4 điểm.
Hai mã có vai trò lớn còn lại là VIC và VNM chủ yếu nhờ biến động mạnh cuối phiên. VIC trượt dốc và khá đuối trong phiên chiều, đến cuối đợt khớp lệnh liên tục còn giảm nhẹ 1 bước giá dưới tham chiếu. Đợt ATC cầu kéo khá lớn, tới 315.600 cổ, đẩy giá vọt lên trên tham chiếu 8 bước giá, tăng 0,88%. VNM đợt ATC được đẩy cao hơn, mở rộng mức tăng từ 1,23% lên 1,57% so với tham chiếu.
Phần còn lại của rổ VN30 không có nhiều tác dụng, giá chủ yếu là giằng co và diễn biến yếu đi trong đợt ATC. Cổ phiếu ngân hàng hầu hết là đóng cửa rất kém: VCB bị ép đợt cuối phải thu hẹp mức tăng còn 0,32%; VPB đang tham chiếu bị đánh tụt giảm 0,93%; CTG, BID, STB, TPB, HDB đều bị ép mạnh trong đợt ATC. Trong các trụ khác như MSN, đang tăng 0,78% quay đầu sụt giảm 0,07%...
Diễn biến này lý giải tại sao VN30-Index lại kém hơn hẳn VN-Index trong phiên chiều, cũng như không thể nảy lên tham chiếu trong đợt ATC: Các cổ phiếu/nhóm cổ phiếu dẫn dắt VN30-Index suy yếu hơn và nhóm tăng lại thiếu lực do vốn hóa hạn chế. Độ rộng cuối này ở rổ này ghi nhận 15 mã tăng/13 mã giảm.
Dòng tiền vào nhóm VN30 chiều nay còn yếu hơn phiên sáng, chỉ đạt 3.093 tỷ đồng, dẫn đến thanh khoản của nhóm này cả phiên giảm 26% so với hôm qua. Giao dịch ở rổ này đã tụt xuống quanh mốc 6 ngàn tỷ đồng và tỷ trọng trong sàn HoSE chỉ tương đương 31,5%.
Trong khi đó giao dịch tại Midcap tăng 18% so với phiên trước, chiếm 36,6% thị phần HoSE, tức là còn lớn hơn cả VN30. Smallcap giao dịch tăng 20%, đạt thị phần 21,6%.
Diễn biến giá của các mã vừa và nhỏ cũng mạnh hơn nhiều blue-chips. Toàn sàn HoSE có 23 mã kịch trần thì 16 mã thuộc hai rổ này. TEG, CTI, LCG, CMX, HCD, C32 là các cổ phiếu thanh khoản rất tốt trong nhóm smallcap và giá kịch trần. Ngoài ra không thể không kể tới HBC, DIG, SCR, TDH, các mã tầm trung cũng thanh khoản rất cao ở giá trần.
Thanh khoản chung trên hai sàn niêm yết hôm nay duy trì được hoàn toàn là nhờ vào các cổ phiếu vừa và nhỏ. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 22.804 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,8% so với phiên trước, trong đó HoSE không tăng, HNX tăng 33,6%. PVS, IDC, NDN, SHS, CEO là các mã thanh khoản rất cao bên HNX. Trong khi đó VN30 lại giảm thanh khoản và chỉ có midcap, smallcap bù lại.
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 210 tỷ đồng trên HoSE và 23 tỷ đồng trên HNX. VNM được mua ròng 166 tỷ, SSI hơn 51 tỷ, PDR 46 tỷ, VHM gần 44 tỷ. Phía bán ròng có NLG -114 tỷ, PAN -98 tỷ, DPM -65 tỷ và VRE -52 tỷ đồng.