Sau gần một tháng tổ chức lấy ý kiến, Chính phủ đã tập hợp được một số góp ý để hoàn thiện dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Quy định về lãi suất là nội dung có các ý kiến khác nhau.
Như VnEconomy đề cập gần đây, một lần nữa câu chuyện về lãi suất cơ bản, gắn với yêu cầu chống cho vay nặng lãi, là một điểm được chú ý khi tiếp cận dự thảo trên.
Dự thảo đã có điểm mới, tại điều 491 quy định: lãi suất vay do các bên thỏa thuận hoặc do luật định. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng, trừ trường hợp luật có quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định ở khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
So với quy định hiện hành (điều 476), mức “trần” để xác định giới hạn lãi suất cho vay nói trên là 150%.
Bước đầu, các ý kiến Chính phủ tập hợp không đề cập đến việc điều chỉnh trên, nới giới hạn từ 150% lên 200% lãi suất cơ bản. Thay vào đó, có các ý kiến khác nhau về việc sử dụng lãi suất cơ bản làm tham chiếu hay không, hay ấn định một mức trần cụ thể.
Theo tập hợp của Cổng thông tin Chính phủ, hiện có hai hướng ý kiến gửi về. Thứ nhất là đồng ý với quy định trong dự thảo Bộ luật, vì quy định mức lãi suất trần dựa trên lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là để tạo ra sự thống nhất về xác định lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, ngăn ngừa việc cho vay nặng lãi.
Bên cạnh đó, việc công bố lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước thực hiện đã được quy định tại điều 12 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Việc xác định một mức lãi suất trần cụ thể trong Bộ luật Dân sự là không phù hợp với tình hình phát triển năng động của nền kinh tế.
Hướng ý kiến thứ hai đề nghị quy định một mức lãi suất trần cụ thể trong Bộ luật dân sự, không sử dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố làm lãi suất tham chiếu, đồng thời, quy định nguyên tắc, thẩm quyền thay đổi mức lãi suất cụ thể này khi cần thiết.
Hướng ý kến trên đưa ra các lý do: Thứ nhất, theo thông lệ, lãi suất cơ bản chỉ là mức lãi suất chung với mục đích để điều hành chính sách tiền tệ, không mang tính thị trường, lãi suất này không được chia thành các mức lãi suất khác nhau để áp dụng cho các thời hạn khác nhau, chủ thể tham gia giao dịch khó có thể biết mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố có phù hợp với loại vay tương ứng hay không.
Do đó, sử dụng lãi suất cơ bản để điều chỉnh các quan hệ dân sự là không phù hợp, sẽ gây khó khăn cho các chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự trên thực tế.
Thứ hai, việc quy định cụ thể mức lãi suất trong Bộ luật dân sự sẽ đảm bảo được tính rõ ràng minh bạch, dễ áp dụng, các bên tham gia giao dịch dân sự có thể biết ngay hậu quả pháp lý khi xác lập hợp đồng vay.
Hiện dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến toàn dân. Phía Ngân hàng Nhà nước cũng tổ chức tiếp nhận đóng góp cho dự thảo này, trong đó có dự kiến quy định trên về lãi suất.
Trước đó, sau khi công bố dự thảo, về quy định lãi suất, Bộ Tư pháp cũng đã nêu quan điểm rằng, quy định về lãi suất trong Bộ luật hiện hành là cứng nhắc, không thực tế và không phản ánh đúng quy luật cung - cầu của thị trường (quy định “lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”).
Còn với quy định mới dự kiến (theo điều 491 nói trên), Bộ Tư pháp cho rằng, sẽ góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm quy định của Bộ luật Dân dự về lãi suất trong hợp đồng vay là điều khoản chung, có tính bao quát, khả thi, ổn định; tạo cơ chế về lãi suất để khuyến khích bên vay thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ, bảo đảm sự tuân thủ và kỷ luật hợp đồng trong giao lưu dân sự; bảo đảm hài hòa với mục đích quy định lãi suất là một trong những công cụ để điều tiết nền kinh tế, đặc biệt đối với thị trường vốn, tiền tệ và các mục đích kinh tế, xã hội khác.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate