Ngày 17/10, đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM đã tiếp xúc chuyên đề với cử tri quận Tân Bình nhằm lấy ý kiến cử tri về dự án sân golf nằm trong sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai).
Nhiều cử tri cho rằng, nên bỏ dự án sân golf và dừng xây dựng sân bay Long Thành thời điểm này cho đến khi có nhu cầu.
Cử tri Nguyễn Đăng Diệp, hiện là Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học nông nghiệp cho rằng, sân golf nên làm ở nơi đất xấu, xa dân, vì tốn nhiều nước tưới, sử dụng thuốc diệt cỏ dại, thuốc trừ sâu gây độc hại cho nguồn nước ngầm.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, sân golf chiếm đất quá lớn và sẽ gây nguy hiểm cho máy bay lên xuống. Theo cử tri Đào Khắc Khởi, đất sân bay Tân Sơn Nhất do Bộ Quốc phòng quản lý. Vì vậy, nếu sử dụng không hết hoặc làm xong nhiệm vụ thì bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý. Tại sao lại giao cho công ty thuê 50 năm?
Ông Khởi đề nghị Tp.HCM tổ chức thanh kiểm tra sân golf. Nếu thấy vi phạm pháp luật, trái quy định quản lý nhà nước thì thu hồi sân golf giao cho cơ quan chức năng mở rộng sân bay vừa tiết kiệm vừa hiệu quả.
Một vấn đề quan trọng khác được các cử tri cho ý kiến là dự án sân bay quốc tế Long Thành do Tông công ty Cảng hàng không Miền Nam làm chủ đầu tư. Hiện tại, quy hoạch dự án đã được phê duyệt vào năm 2011.
Theo các cử tri, cần dừng việc xây dựng sân bay Long Thành thời điểm này cho đến khi có nhu cầu. Ông Nguyễn Đăng Diệp cho rằng, không nên xây dựng sân bay Long Thành vì nhiều lý do.
Thứ nhất, số tiền xây dựng đầu tư rất lớn, trên 13 tỷ USD, gây lãng phí trong điều kiện đất nước còn khó khăn.
Thứ hai, sân bay ở nước ta còn quá nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Có nhiều sân bay quốc tế chưa sử dụng hết như sân bay Cần Thơ, mỗi năm chỉ được vài chuyến bay, hay sân bay Phú Quốc, Liên Khương, Cam Ranh cũng chưa sử dụng hết công suất. Cho nên, xây dựng sân bay Long Thành bây giờ là lãng phí, sẽ ‘trùm mềm” như hải cảng.
Ông Diệp nói: “Tại sao không mở rộng "sân bay vàng" Tân Sơn Nhất, mà lại lấy đất sân bay làm sân golf? Tại sao không tận dụng và mở rộng sân bay Biên Hòa đã có sẵn và diện tích rất lớn?”.
“Tp.HCM là trung tâm kinh tế văn hóa, khoa học kỹ thuật của cả nước, các lãnh sự quán và cơ quan trung ương cũng ở đây. Vì vậy, tại sao lại bỏ thương hiệu là sân bay quốc tế mà lại ngược xuống tận Long Thành-Đồng Nai để làm sân bay quốc tế, gây nhiều tốn kém về ngoại tệ, đất đai, chặt bỏ hàng ngàn hecta cao su…”.
Cử tri Nguyễn Quang Thái cho rằng, sân bay Tân Sơn Nhất nằm trong nội thành đông dân cư ở Tp.HCM nên quan điểm di dời là đúng nhưng vấn đề là di dời lúc nào . Ông nói “Việc xây dựng sân bay Long Thành là quy hoạch lâu dài, có thể bàn ở 30-50 năm sau, chứ không phải thời điểm này”.
Còn cử tri Nguyễn Thiện Tống cho rằng, không nên xây dựng Long Thành quá sớm vì như thế không hiệu quả kinh tế. Cần có cơ quan chức năng kiểm chứng dự báo tốc độ tăng trưởng ngành hàng không, thời điểm di dời sân bay Tân Sơn Nhất và hiệu quả kinh tế ra sao? Trước mắt nên tiếp tục sử dụng sân bay Tân Sơn Nhất và mở rộng để nâng cao năng lực.
Bà Võ thị Dung, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM cho biết, việc xây dựng sân bay Long Thành nếu đưa vào sử dụng sớm như lộ trình đề ra thì sẽ lãng phí, trong khi các sân bay khác chưa hết công suất. Trong tương lai dài thì quy hoạch này là cần thiết.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate