Trong một hội thảo mới đây do Chương trình Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức nhân ngày thanh niên thế giới, đại diện tổ chức đã đưa ra một con số đầy thách thức: có tới 60% thanh niên Việt Nam có thể thiếu các kỹ năng xanh cần thiết để phát triển trong công cuộc chuyển đổi xanh. Trong khi đó, dưới góc độ bền vững, quản trị nguồn nhân lực xanh là yếu tố quan trọng nhất đối với doanh nghiệp.
ĐÃ CÓ VIỆC LÀM XANH, CẦN TÌM NHÂN LỰC
Nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy hiện nay việc làm xanh chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số việc làm (3,6%) với 39 “nghề xanh”. Tỷ lệ này tương đương với tỷ lệ việc làm xanh của Hoa Kỳ, Indonesia và Campuchia. Tuy nhiên, còn có tới 88 nghề khác có tiềm năng trở thành “nghề xanh”, chiếm 41% tổng số việc làm, chứng tỏ những lợi ích to lớn có thể mang lại từ việc xanh hóa nền kinh tế Việt Nam. Ngay cả những ngành nghề có tác động tới môi trường như xi măng, sắt thép, vật liệu công nghiệp… vẫn có cơ hội để mở rộng việc làm xanh.
Điển hình nhất, trong những năm gần đây, cả nước có thêm hàng trăm dự án điện gió được triển khai tại nhiều địa phương. Cùng với đó, nhu cầu nhân lực phục vụ cho các hoạt động vận chuyển, xây dựng, lắp đặt tua-bin, kiểm tra, bảo trì bảo dưỡng các nhà máy… là rất cao. Tuy nhiên, hiện nay, đa phần nguồn nhân lực thực hiện phải thuê từ nước ngoài do nguồn cung nhân lực về lĩnh vực này còn rất hạn chế. Đại diện hãng cung cấp thiết bị công nghệ điện gió và năng lượng tái tạo Siemens Gamesa cho biết: “Ở Việt Nam, vẫn có người lao động có kỹ năng tương đồng, nhưng phải đào tạo lại để chuyển dịch sang điện gió, rất mất thời gian”.
Tại Công ty TNHH Dệt may Trung Quy, từ đầu năm đến nay, đơn hàng xuất khẩu vải truyền thống giảm khoảng 30%, nhưng các đơn hàng xuất khẩu các loại vải có nguồn gốc hữu cơ, nguyên liệu tái chế đã bù đắp được 15% số đơn hàng. Đơn vị này đang phát triển 20 loại vải có nguồn gốc hữu cơ để xuất khẩu và sẵn sàng chuyển đổi 100% công suất theo tiêu chí sản xuất xanh, tuần hoàn. Tương tự là trường hợp của Công ty Nhựa tái chế Duy Tân, sau khi đầu tư hàng chục triệu USD để xây dựng nhà máy với công nghệ xử lý tiên tiến từ châu Âu, công ty đã xuất khẩu thành công 4.000 tấn hạt nhựa tái chế sang Mỹ và nhiều nước khác.
Cả hai doanh nghiệp này đều phản ánh, bên cạnh nguồn vốn, khó khăn lớn khi chuyển sang mô hình sản xuất xanh là nhân lực chất lượng cao. Doanh nghiệp muốn chuyển đổi xanh phải bắt đầu từ việc quan trọng nhất là phải thay đổi được nhận thức của con người và phải am hiểu công nghệ.
Một dây chuyền may bán tự động có chi phí đầu tư 3 tỷ đồng, thời gian đào tạo nguồn lao động cần từ 3 tháng trở lên. Nhân viên thiết kế phải biết sử dụng nguồn nguyên liệu thân thiện môi trường như thế nào, áp dụng công nghệ gì, tiêu chuẩn của khách hàng ra sao... Bên cạnh đó, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực cố vấn phục vụ cho chuyển đổi và ứng dụng công nghệ 4.0... là rất đáng kể.
Ông Ngô Xuân Nam, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Nams, cho biết với tiêu chí cung cấp các sản phẩm liên quan đến nông nghiệp và sản phẩm tinh chế sang thị trường châu Âu, những doanh nghiệp như công ty của ông cần rất nhiều nhân lực liên quan đến kinh tế xanh. Công ty cũng chấp nhận trả mức lương hậu hĩnh nếu nhân sự đó đáp ứng tốt công việc.
Chẳng hạn, vị trí giám đốc nghiên cứu, đơn vị có thể trả lương từ 5-7 nghìn USD/nhân sự/tháng. Những vị trí thấp hơn dành cho nghiên cứu sinh hoặc sinh viên mới ra trường, mức lương vào khoảng 1-2 nghìn USD/nhân sự/tháng... Tuy vậy, việc tuyển dụng vẫn không dễ dàng.
PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Loan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại, cho hay: “Những ngành nghề liên quan đến môi trường rất “khát” nhân lực nên có lương cao, nhu cầu lớn. Hai năm vừa qua, một số sinh viên trong các lĩnh vực hướng tới kinh tế xanh có thể nhận việc ngay từ khi đang học năm thứ ba hoặc năm thứ tư”.
Tuy nhiên, theo TS. Bích Loan, nếu đặt lên bàn cân so sánh, sự phát triển nguồn nhân lực cho ngành kinh tế xanh hiện chưa đồng đều, mất cân đối. Một số lĩnh vực đội ngũ nhân lực đã có nhưng có những lĩnh vực còn thiếu và yếu như công nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 40-2023 phát hành ngày 02-10-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam