Sáng 10/11, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Nghị trường, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận trong lĩnh vực dịch vụ truyền hình trả phí đang có tình trạng "bảo hộ ngược". Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và quy định của luật pháp, một số nền tảng xuyên biên giới "không thuế, không luật pháp".
Hiện nay, Việt Nam có 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả phí, với khoảng 14 triệu thuê bao và doanh thu khoảng 9.000 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, tổng số thuê bao truyền hình trả tiền qua Internet của các nền tảng xuyên biên giới như Netflix, Apple TV, WeTV (Trung Quốc) đang cung cấp tại Việt Nam là khoảng 1 triệu thuê bao và doanh thu ước tính tiến gần tới 1.000 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trong nước cơ bản phải tuân thủ quy định về cấp phép, biên tập nội dung, nộp phí đóng thuế. Quý 1/2020, các dịch vụ truyền hình truyền thống giảm khoảng 1 triệu thuê bao.
Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài chưa thực hiện các quy định pháp luật Việt Nam và 2020 tăng trưởng mạnh. Trong quý 1, số lượng thuê bao của Netflix tại Việt Nam tăng khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Netflix có nhiều nội dung vi phạm quy định pháp luật Việt Nam, như pháp luật về báo chí, điện ảnh, trẻ em. Cụ thể, phản ánh sai trái lịch sử như loạt phim về chiến tranh Việt Nam; xuyên tạc về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam như phim Madam Secretary; có nội dung bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm...", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Về giải pháp trước mắt, Bộ trưởng cho rằng cần sửa đổi Nghị định 06 năm 2016 về quản lý cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trên Internet để quản lý các nền tảng xuyên biên giới. Đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã soạn thảo xong và đang trình Chính phủ xem xét.
Tiếp đến là sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật trong lĩnh vực thuế, tài chính để gắn trách nhiệm của các nhà mạng cung cấp qua nền tảng xuyên biên giới. Việc này đang được Bộ Tài chính chủ trì với sự phối hợp của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ngoài ra, tiếp tục áp dụng các giải pháp đấu tranh về pháp lý, truyền thông, kinh tế kỹ thuật nhằm yêu cầu các nhà mạng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam.
Trước đó, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 6/11, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh các nền tảng xuyên biên giới buộc phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Bộ Thông tin Truyền thông đang cùng với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới này đóng thuế và kiểm soát dòng tiền thanh toán.
Bộ trưởng cho biết hiện 4 công ty lớn là Google, Amazon, Facebook và Apple phát sinh doanh thu tại Việt Nam hàng tỷ USD nhưng chưa đóng thuế. Do đó, Bộ trưởng đề nghị Quốc hội thay đổi về xử phạt có tính răn đe.
"Hiện nay ta xử phạt chủ yếu bằng con số tuyệt đối mà chưa sử dụng mức phạt dựa trên doanh thu. Đối với cá nhân và doanh nghiệp nhỏ, mức phạt 100 triệu - tức khoảng 5.000 USD - là lớn, nhưng đối với doanh nghiệp có hàng chục tỷ USD thì lại quá nhỏ. Các nước đã áp dụng mức phạt trên doanh thu với các công ty xuyên biên giới. Ví dụ, 4% doanh thu với Facebook thì mức phạt lên tới hơn 1 tỷ USD", Bộ trưởng dẫn chứng.
Bộ trưởng khẳng định bài học ở đây là quy trình xử lý hành vi vi phạm phải rõ ràng trong văn bản pháp luật, mức phạt phải có tính răn đe, có công cụ phát hiện tự động và quản lý bằng công nghệ, sau đó là thực thi nghiêm minh dù là nước ngoài hay trong nước.