December 30, 2022 | 08:19 GMT+7

Nếu không có chính sách tốt, xe điện tại Việt Nam khó bùng nổ năm 2023

Lê Vũ

Để xe điện thực sự “cất cánh” không chỉ dựa vào chiến lược của các nhà sản xuất mà còn đòi hỏi nhiều hơn vào chính sách khuyến khích, hỗ trợ của chính phủ mỗi quốc gia. Tầm nhìn dài hạn và tỷ trọng đầu tư hợp lý là yếu tố quyết định đến khả năng hoàn thành các mục tiêu phát triển ngành công nghiệp tỷ đô này.

Chính sách của các nước trên thế giới

Na Uy là một “điểm sáng” của ngành công nghiệp xe điện tại Châu Âu vào năm 2016 khi số lượng xe điện lưu hành cán mốc 100.000 chiếc, tăng gấp đôi so với một năm trước đó. Nhưng chỉ 6 năm sau, quốc gia này đã trở thành “thủ đô xe điện” của thế giới với 500.000 chiếc đang lưu hành (năm 2022). Một trong những yếu tố chính tạo nên thành công của quốc gia Bắc Âu này đến từ chính sách hỗ trợ từ sớm và lộ trình rất rõ ràng của chính phủ.

Năm 1990, khi các quốc gia Châu Âu và Mỹ còn đang “say giấc” trên đỉnh vinh quang của ngành công nghiệp ôtô sử dụng nhiên liệu hóa thạch thì Na Uy đã sớm đặt những viên gạch đầu tiên ngành công nghiệp sử dụng năng lượng xanh bằng chính sách miễn thuế mua, nhập khẩu xe điện. Trong suốt 20 năm kể từ 1997, quốc gia này kiên trì với chính sách miễn phí đường bộ dành cho xe điện, giúp mỗi người dùng tiết kiệm được khoảng 250 USD/tháng.

Từ năm 1999, Na Uy tiếp tục miễn phí đỗ xe trong thành phố dành cho xe điện. Nếu chỉ đỗ xe 8 tiếng mỗi ngày, chính sách này đã giúp giảm chi phí cho người dùng đến 700 USD/tháng. Tiếp đến là hàng loạt chính sách “ưu ái” khác dành riêng cho xe điện như: miễn thuế VAT, miễn giảm phí qua phà, được đi vào làn dành riêng cho xe buýt…

Lộ trình chính sách hỗ trợ xe điện của Na Uy. Ảnh: Elbil.no
Lộ trình chính sách hỗ trợ xe điện của Na Uy. Ảnh: Elbil.no

Những chính sách kể trên đã tác động lớn đến quyết định chọn mua và sử dụng xe hơi của người dân Na Uy. Một chiếc Volkswagen Golf bản chạy xăng giá 22.046 Euro, trong khi bản e-Golf chạy điện giá lên tới 33.037 Euro. Nhưng nếu tính giá lăn bánh tại Na Uy, do được miễn thuế VAT 25% và nhiều loại thuế, phí khác như: thuế bảo vệ môi trường, thuế tải trọng, phiên bản e-Golf (33.286 Euro) vẫn rẻ hơn gần 800 Euro so với phiên bản Golf (34.076 Euro).

Nếu như Na Uy đang trở thành kiểu mẫu cho ngành công nghiệp xe điện của thế giới thì Thái Lan là đại diện hiếm hoi của Đông Nam Á đang ở giai đoạn thị trường mới nổi, sau Mỹ, Nhật Bản.

Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu sản xuất xe điện chiếm 30% sản lượng xe nội địa vào năm 2030, đưa nước này trở thành trung tâm sản xuất xe điện lớn của ASEAN. Để hiện thực hóa mục tiêu này, đầu năm 2022, chính phủ Thái Lan đã thông qua dự thảo quy định bổ sung bao gồm các ưu đãi thuế quan và phi thuế quan cho xe điện, giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, từ tháng 9/2022, chính phủ nước này bắt đầu chương trình trợ cấp cho xe điện với mức 70.000-150.000 Bath/chiếc. Bên cạnh đó là các chính sách ưu đãi về thuế bao gồm: giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, phí đường bộ và thuế nhập khẩu.

Xe điện giá rẻvà tầm trung được đông đảo người dân Thái Lan ưa chuộng. Ảnh: Automotive
Xe điện giá rẻvà tầm trung được đông đảo người dân Thái Lan ưa chuộng. Ảnh: Automotive.

Để giải quyết vấn đề hạ tầng trạm sạc, Thái Lan cũng xây dựng các biện pháp khuyến khích sản xuất pin và thiết lập các cơ sở sạc điện. Ủy ban Đầu tư Thái Lan thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu đối với pin EV và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các trạm sạc. Nhờ chính sách này, một số nhà sản xuất đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà máy pin EV như SAIC Motor-CP, liên doanh Banpu, Cherdchai và Durapower. Trong khi đó, các tập đoàn nước ngoài như Energy Absolute có trụ sở tại Thái Lan đang thiết lập các trạm sạc và bộ sạc tại quốc gia này.

Những chính sách thiết thực từ “xứ sở chùa vàng” đã góp phần thu hút các nhà sản xuất hàng đầu của Trung Quốc như Great Wall Motor, BYD, Dongfeng liên tục tung ra các mẫu xe điện mới, giá cả phải chăng. Mercedes-Benz, BMW và Volvo Car cũng trình làng và chào bán các mẫu EV cao cấp. Thậm chí, Thái Lan cũng là một trong số ít thị trường tại Châu Á được Toyota lựa chọn để ra mắt mẫu bZ4X, xe điện đầu tiên của mình.

Không chỉ nhờ chính sách hỗ trợ kịp thời mà ngay cả người dân Thái Lan cũng có mức độ sẵn sàng cho xe điện cao thứ hai trong khu vực (sau Singapore). Chỉ tính riêng màn “chào sân” của mẫu xe điện giá rẻ BYD Atto 3 (giá 1.199.900 Bath, tương đương 785 triệu đồng) hồi tháng 11 vừa qua đã tạo một cơn “địa chấn”. Một số đại lý BYD ghi nhận, hàng trăm người dân đã đứng xếp hàng từ sáng sớm trong ngày đầu tiên BYD Atto 3 được mở bán. Truyền thông nước này bình luận, cảnh tượng chẳng khác gì một sự kiện black Friday của các thương hiệu thời trang. Đây cũng là lần đầu tiên người tiêu dùng Thái Lan phải xếp hàng qua đêm chỉ để mua một chiếc ô tô.

Năm 2023, Thái Lan sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ bao gồm: giảm thuế nhập khẩu từ mức 80% xuống 40% đối với xe điện có giá dưới 2 triệu Bath; giảm thuế nhập khẩu từ mức 80% xuống 60% đối với xe điện giá từ 2-7 triệu Bath. Đồng thời, xe điện nhập khẩu cũng được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt từ 8% xuống còn 2%. Đối với các loại xe điện sản xuất trong nước sẽ được miễn nhiều loại thuế để kích thích sản xuất, giúp giảm giá thành xe điện từ 2.200 - 4.800 USD/chiếc.

Đối với các quốc gia mới khởi động tiến trình điện khí hóa và có nhiều nét tương đồng với thị trường Việt Nam như Ấn Độ, Indonesia lại có những bước đi khác biệt.

Mặc dù sở hữu ngành công nghiệp ô tô lớn thứ 5 thế giới nhưng thị trường xe điện ở Ấn Độ lại rất khiêm tốn, với giá trị ròng dự kiến 2 tỷ USD vào năm 2023 và 7,09 tỷ USD vào năm 2025, tức là chỉ bằng 1% so với toàn ngành ôtô.

Ngoài những khó khăn về vốn đầu tư, thiếu hạ tầng trạm sạc thì ngay bản thân người tiêu dùng tại Ấn Độ vẫn chưa thực sự mặn mà với xe điện. Lý do chính là giá thành một chiếc ôtô điện vẫn còn quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân.

Ngành công nghiệp ôtô điện của Ấn Độ chưa tương xứng với tiềm năng. Ảnh: Indian Auto
Ngành công nghiệp ôtô điện của Ấn Độ chưa tương xứng với tiềm năng. Ảnh: Indian Auto.

Do đó, xây dựng một cơ sở hạ tầng sạc mạnh mẽ là một trong những mục tiêu chính của Ấn Độ trong giai đoạn 2022-2025. Để tăng số lượng trạm sạc, chính phủ nước này cho phép gia hạn giấy phép lắp đặt các trạm sạc tư nhân tại các khu dân cư và văn phòng. Ngoài ra, chính phủ cũng cho phép lắp đặt các điểm sạc xe điện trong trung tâm thương mại, khu nhà ở xã hội, khu phức hợp văn phòng, nhà hàng, khách sạn và những nơi công cộng khác.

Trước hàng loạt vụ việc cháy xe điện xảy ra trong năm 2022, chính phủ Ấn Độ đã tập trung vào việc đảm bảo an toàn cho hoạt động của pin xe điện. Cụ thể, từ tháng 10/2022, chính phủ nước này yêu cầu các nhà sản xuất, cung ứng pin xe điện phải đảm bảo an toàn chất lượng theo đúng quy chuẩn. Bộ giao thông vận tải đường bộ và đường cao tốc cũng đang tìm cách xây dựng một cơ sở hạ tầng di chuyển an toàn và “xanh” hơn. Những động thái này đã góp phần lấy lại niềm tin cho người dân và các nhà sản xuất.

Việt Nam đang ở "thời điểm vàng"

3 cấp độ đầu tư của 3 quốc gia kể trên đều cho thấy, để phát triển thị trường xe điện, không thể thiếu đi vai trò định hướng, hỗ trợ tích cực từ chính phủ. Trong đó, chính sách cởi mở về thuế quan là yếu tố then chốt giúp giảm giá thành sản phẩm và đón nhận nguồn vốn đầu tư lớn từ nước ngoài. Bên cạnh đó, các chính sách ưu tiên xe điện, thắt chặt xe chạy xăng, dầu có tác động tích cực đến chiến lược kinh doanh của các hãng xe và góp phần thay đổi thói quen của người dùng. Đặc biệt là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, như nhận định của PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô - Trường Cơ khí - Đại học Bách khoa Hà Nội, thì “ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam không bị phụ thuộc vào động cơ đốt trong. Chúng ta đang ở thời điểm “vàng” để phát triển và “không có gì để mất” khi chúng ta chuyển sang điện khí hóa”.

Cũng theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, để thực sự tác động đến thói quen của người dùng, bắt buộc phải có các chính sách ưu tiên hơn hẳn so với xe chạy xăng, dầu truyền thống. “Do vậy, điều chúng ta cần là những chính sách tốt để khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư vào trong nước; ươm mầm công nghệ; giảm giá thành xe điện để người dùng dễ tiếp cận các sản phẩm hơn”, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc chia sẻ.

Việt Nam cần những chính sách tốt để xe điện
Việt Nam cần những chính sách tốt để xe điện "cất cánh" trong năm 2023.

Tuy nhiên, nhìn lại những chính sách hỗ trợ của chính phủ Việt Nam dành cho xe điện thời gian qua, các chuyên gia cũng cho rằng còn chậm và chưa tạo sức hút đối với các nhà sản xuất ô tô. Chính sách pháp luật đáng chú ý nhất là Nghị định số 10/2022/NĐ-CP quy định về lệ phí trước bạ. Trong đó, đối với các loại ô tô điện chạy bằng pin sẽ có mức thu 0% lệ phí trước bạ lần đầu trong vòng 3 năm kể từ ngày 1/3/2022.

Trong vòng 2 năm tiếp theo, nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi. Tất cả các loại ô tô kể trên, nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi với mức thu là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Song trên thực tế, số lượng ô tô “thuần” điện đến nay tại Việt Nam vẫn còn rất ít, trong khi đa số xe điện còn lại thuộc các dòng xe hybrid nhập khẩu, không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi nêu trên. Việt Nam cũng chưa có chính sách trợ cấp dành cho khách hàng mua xe điện tương tự ở các nước trong khu vực như Thái Lan (100 triệu đồng), Indonesia (120 triệu đồng), Malaysia (138 triệu đồng).

Những mục tiêu trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã được chỉ rõ, nhưng đi kèm với chiến lược đó cần có một lộ trình rõ ràng về các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy xe điện phát triển. Nếu chậm chân trong thời điểm “vàng” giai đoạn 2022-2025, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ rất khó có cơ hội chuyển mình trở thành thị trường mới nổi và bước chân ra khỏi “vùng trũng” của ngành công nghiệp ô tô thế giới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate