Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng đánh giá về con số 31,6 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong 6 tháng qua.
>>FDI đăng ký vào Việt Nam xác lập kỷ lục mới
Xu hướng tiếp diễn trong những tháng gần đây cho thấy việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dường như không hề hấn gì trước tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang biến động. Nhưng theo quan điểm cá nhân, ông có cho rằng lượng vốn FDI đổ vào Việt Nam đã bị thu hẹp lại do lạm phát hay không?
Thực tế trong 6 tháng đầu năm nay, lượng vốn FDI đổ vào Việt Nam vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước, có thể vượt con số 35 tỉ USD trong năm nay. Nếu các dự án lớn như boxit nhôm ở Lâm Đồng có quy mô vốn chục tỉ USD, hay dự án của Tập đoàn Foxconn được thực hiện thì số vốn còn lớn hơn nhiều.
Tuy nhiên, lạm phát chắc chắn có ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài. Con số FDI hiện tại chúng ta thu được so với trước lớn quá nên không thấy được ảnh hưởng. Dù sao các nhà đầu tư cũng phải đắn đo, nếu lạm phát thấp, rõ ràng con số đó còn có thể cao hơn nữa.
Hiện nay, mỗi chuyên gia đều có ý kiến riêng của mình nhưng thực sự nghiên cứu về vấn đề tác động của FDI đến lạm phát và tốc độ tăng trưởng vẫn còn chưa đầy đủ. Nhưng có một điểm mọi người đều thống nhất với nhau rằng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được đưa vào sản xuất chứ không phải tiêu dùng.
Trong khi chúng ta phải hạn chế nguồn vốn cho các dự án đầu tư bằng ngân sách nhà nước để kiềm chế lạm phát thì vốn FDI được dùng cho sản xuất nên không tác động đến tiền tệ. Còn nó chịu ảnh hưởng như thế nào thì cần phải có nghiên cứu cụ thể. Chúng tôi cũng đang bắt đầu triển khai.
Thời gian qua, vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản quá nhiều. Thực tế đó có làm lỡ cơ hội chuyển giao công nghệ cho những ngành sản xuất hay không, thưa ông?
Đây là hai việc khác nhau. Trong 5 tháng đầu năm, số lượng các dự án bất động sản đăng ký đầu tư chiếm ưu thế. Tuy nhiên, sang tháng 6, với hai dự án lớn về sản xuất gang thép của Tập đoàn Formosa gần 8 tỉ USD và dự án lọc hoá dầu Nghi Sơn 6,2 tỉ USD, dòng vốn đầu tư đã lại chuyển dịch về lĩnh vực công nghiệp.
Thực ra, việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án đó phù hợp với mục tiêu kêu gọi vốn của chúng ta là hiện đại hoá, và Việt Nam là điểm đến của khách du lịch quốc tế. Khi khách du lịch quốc tế đến không có khu nghỉ dưỡng cao cấp, đô thị hiện đại kèm theo thì họ sẽ chỉ đến 1 lần rồi không quay lại.
Vì vậy, việc các địa phương ven biển sử dụng lợi thế đất đai thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch này không có vấn đề gì cản trở thu hút vào công nghiệp. Ngay cả trong bất động sản, chúng ta cũng cần tiếp thu những kiến thức về kiến trúc, tiếp nhận chuyển giao những kinh nghiệm quản lí các khu đô thị hay nghỉ dưỡng hoàn chỉnh.
Do đó, các nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản vào sẽ tạo điều kiện vật chất kỹ thuật cần thiết cho việc xây dựng Việt Nam là điểm đến của du lịch quốc tế.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là hiện nay chúng ta không còn đất dọc theo các bờ biển, đặc biệt ở các địa phương có sức hấp dẫn lớn về vị trí, có cơ sở hạ tầng tốt. Cũng có thể chúng ta sai lầm trong quá khứ khi nóng vội thu hút đầu tư nên đã để xảy ra hiện tượng “băm mảnh” các bờ biển cho các dự án chưa đủ năng lực triển khai.
Liên quan đến vấn đề phân cấp, hiện đang diễn ra tình trạng các tỉnh cạnh tranh nhau để thu hút đầu tư. Vậy theo ông, liệu để đạt mục tiêu thu hút được nhiều FDI có khiến các tỉnh phá vỡ quy hoạch hay không?
Phải xác nhận là có tình trạng cạnh tranh. Vì một nhà đầu tư không bao giờ đến duy nhất một tỉnh để khảo sát nên tất yếu một dự án sẽ có một vài ba tỉnh lôi kéo. Đó cũng là chuyện bình thường. Nhưng đã đến mức phá vỡ quy hoạch chưa thì chưa.
Thực tế, chúng ta đã có một số quy hoạch then chốt như tổng sơ đồ điện 6, cảng biển, đường cao tốc... Quy hoạch về ngành điện-điện tử, ôtô, xe máy cũng đã xong. Lĩnh vực công nghệ cao cũng đã quy hoạch thành hai khu công nghệ cao ở Tp.HCM và Hà Nội. Do đó, tôi có thể khẳng định việc phá vỡ quy hoạch là không có nhưng trong quá trình điều chỉnh xử lí quy hoạch sẽ tiến hành mềm dẻo hơn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có đề án thúc đẩy giải ngân ở các địa phương, đề án đó đã được thực hiện như thế nào và hiệu quả của việc đẩy nhanh giải ngân liệu có tác dụng trong năm nay hay không, thưa ông?
Đề án thúc đẩy giải ngân đang được chúng tôi triển khai quyết liệt. Cục Đầu tư nước ngoài đang tiếp tục cùng các địa phương tiến hành rà soát các dự án. Thực tế trong năm nay, để thu thập tình hình vốn thực hiện, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Do cơ chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương cho việc sau phân cấp vẫn chưa được xác định rõ ràng nên tình hình thu thập số liệu thông tin không dễ dàng.
Thực hiện chương trình giải ngân, Bộ đã có văn bản yêu cầu các địa phương báo cáo về tình hình triển khai và rà soát các dự án lớn trên địa bàn nhưng đến nay mới có 33 trong số 64 tỉnh thành có báo cáo. Những tỉnh lớn như Bình Dương, Tp.HCM vẫn chưa có. Đây là những tỉnh có tác động rất lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt về nguồn vốn giải ngân.
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm nay, vốn thực hiện cũng đã đạt trên 4,9 tỉ USD. Đây cũng là mức tăng trưởng cao, hứa hẹn năm 2008 sẽ đạt được mức cao nhất từ trước tới nay, khoảng 10 tỉ USD vốn thực hiện.
Để đạt mục tiêu đề ra, các đoàn công tác của bộ sẽ tiếp tục về các địa phương trong 6 tháng cuối năm, tiến hành kiểm tra một số lĩnh vực đang đặt ra như hệ thống cảng biển, các dự án về giáo dục và đào tạo, các dự án về bất động sản.
Với quyết tâm hiện nay, tôi hoàn toàn tin tưởng tốc độ giải ngân năm nay sẽ tốt hơn.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate