Theo tin từ Bloomberg, Nga đã bắt đầu sản xuất hàng loạt vắc-xin Covid-19 thứ hai dù chưa hoàn tất thử nghiệm trong bối cảnh chính phủ nước này gấp rút triển khai "lá chắn" trước đại dịch.
Đây là loại vắc-xin do Trung tâm Công nghệ Sinh học và Vi-rút Nhà nước Vector tại Novosibirsk phát triển. Anna Popova, người đứng đầu cơ quan giám sát y tế công cộng của Nga, mới đây công bố kế hoạch tăng cường sản xuất vắc-xin này vào cuối năm nay.
Đầu tháng này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết đã phê chuẩn vắc-xin của Vector với lộ trình tương tự như Sputnik V được phê chuẩn hồi tháng 8. Cả hai vắc-xin này đều được phê chuẩn dù vẫn đang được thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 3 - bước cuối cùng để chứng minh tính an toàn và hiệu quả.
Không giống như Sputnik V - sử dụng virus Adeno để kích thích hệ thống miễn dịch chống lại Covid-19, vắc-xin của Vector là một hỗn hợp các chuỗi axit amin ngắn tạo ra phản ứng miễn dịch.
Giới chức Nga kỳ vọng hai loại vắc-xin này sẽ giúp ngăn chặn đại dịch đồng thời giảm thiểu những tác động về kinh tế khi phải áp dụng các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội. Nước này đang nỗ lực ngăn chặn làn sóng bùng phát dịch thứ hai trong bối cảnh số ca nhiễm mới và tử vong vì Covid-19 tăng cao kỷ lục. Nga hiện là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ tư thế giới.
Tuy nhiên, các nhà khoa học và công ty dược phẩm cho rằng hai loại vắc-xin của Nga cần được phải thử nghiệm thêm để chứng minh tính an toàn và hiệu quả trước khi được cấp phép sử dụng. Tại Mỹ, để được đăng ký sử dụng vắc-xin trong trường hợp khẩn cấp, đơn vị phát triển phải theo dõi dữ liệu thử nghiệm giai đoạn 3 của vắc-xin đó trong ít nhất hai tháng.
Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga - một trong những nhà phát triển vắc-xin Sputnik V, ngày 27/10 cho biết đã nộp đơn lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để xin danh sách sử dụng khẩn cấp và chứng chỉ tiền thẩm định đối với vắc-xin này. Sự chấp thuận của WHO có thể giúp giảm bớt lo ngại về tính an toàn và chất lượng của Sputnik V.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, kể cả khi giới chức Nga rút ngắn các quy trình để sớm đưa vắc-xin vào sử dụng hàng loạt, việc mở rộng sản xuất cũng là một thách thức lớn. Kirill Dmitriev, giám đốc Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga, hồi tháng 7 cho biết nước này đặt mục tiêu sản xuất 30 triệu liều vắc-xin trong năm 2020. Nhưng đến đầu tháng này, Bộ trưởng Công nghiệp Denis Manturov nhận định đó là mục tiêu "bất khả thi" và cho biết nước này chỉ có thể sản xuất tối đa 2,3 triệu liều năm nay.
"Chúng tôi gặp khó khăn về sản lượng sản xuất và việc mở rộng quy mô", Alexey Repik, chủ sở hữu hãng dược R-Pharm, công ty sẽ sản xuất vắc-xin Sputnik V, cho biết.
Các nhà phân tích nhận định Sputnik V là vắc-xin có quy trình sản xuất phức tạp bởi sử dụng các chủng virus Adeno khác nhau ở mỗi liều tiêm và đòi hỏi phải sản xuất với số lượng lớn. Ngoài ra, vắc-xin này phải được trữ lạnh trước khi sử dụng - một thách thức lớn với việc vận chuyển và phân phối.
"Vấn đề nảy sinh khi chuyển hoạt động sản xuất từ viện Gamaleya sang các cơ sở khác", Dmitry Kulish, nhà sinh học, giáo sư Đại học Skoltech tại Moscow, cho biết. Ngành công nghiệp dược phẩm Nga cũng phụ thuộc vào các thiết bị của nước ngoài, ông Kulish nhấn mạnh.
Theo tin từ RIA Novosti, Nga có thể sẽ đăng ký vắc-xin thứ ba - do Viện Khoa học Liên bang Chumakov phát triển - vào tháng 12 tới. Mỗi loại vắc-xin của nước này sẽ được dùng cho những đối tượng khác nhau.