May 19, 2021 | 06:00 GMT+7

Nga cân nhắc phát hành “hộ chiếu vàng”, nhắm tới giới giàu Trung Quốc

Ngọc Trang -

Đây là lần là sáng kiến về "hộ chiếu vàng" đầu tiên được đưa ra trong lịch sử Nga, mở ra cơ hội cho người nước ngoài muốn sinh sống và làm việc tại xứ sở Bạch Dương...

Thị trường bất động sản cao cấp Nga thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư Trung Quốc - Ảnh: AFP
Thị trường bất động sản cao cấp Nga thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư Trung Quốc - Ảnh: AFP

Theo tờ SCMP, chính phủ Nga đang cân nhắc triển khai chương trình cư trú đặc biệt, còn gọi là chương trình "hộ chiếu vàng" dành cho người nước ngoài để thu hút vốn đầu tư, nhắm tới giới giàu Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh và đầu tư trong lĩnh vực bất động sản tại quốc gia này. 

“Các chương trình hộ chiếu vàng tại nhiều quốc gia được tạo ra nhằm thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài và tương đối thành công", ông Alexander Shatalov, CEO của Savills Nga cho biết. “Tôi cho rằng những sáng kiến như vậy cũng sẽ mang lại tiềm năng rất lớn cho thị trường bất động sản của Nga".

Đây là lần là sáng kiến về "hộ chiếu vàng" đầu tiên được đưa ra trong lịch sử Nga, mở ra cơ hội cho người nước ngoài muốn sinh sống và làm việc tại xứ sở Bạch Dương. 

Theo giới quan sát, chương trình có thể hấp dẫn nhiều nhất các nhà đầu tư đang sinh sống ở những khu vực pháp lý phức tạp như châu Phi và Trung Đông, cũng như nhiều doanh nhân Trung Quốc đại lục.

“Hộ chiếu vàng vào Nga có thể nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư tại Trung Quốc đại lục bởi Nga và Trung Quốc vốn có mối quan hệ hòa hảo", Arthur Sarkisian, Giám đốc điều hành tại hãng tư vấn di cư và bất động sản  Astons, nhận xét.

 

Tính từ năm 2005, các công ty tư nhân và quốc doanh của Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 56 tỷ USD vào Nga, theo số liệu từ Viện nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ và Tổ chức Di sản có trụ sở tại Mỹ. Trong đó, 4,85 tỷ USD rót vào lĩnh vực bất động sản.

Theo SCMP, nếu được nhận "hộ chiếu vàng" của Nga, nhà đầu tư có thể tự do đi lại giữa 35 quốc gia trên thế giới gồm Nam Phi, Cuba, Israel, Argentina và Brazil. Họ cũng có thể mở công ty mà không cần giấy phép làm việc, đồng thời được hưởng bảo hiểm y tế bắt buộc tại Nga cũng như nhiều dịch vụ xã hội khác. 

Bên cạnh đó, ưu đãi về thuế cũng là một trong những điểm cộng khi đăng ký chương trình này. Trong khi thuế thu nhập tại Trung Quốc lên tới 45% đối với thu nhập trên 960.000 Nhân dân tệ (149.000 USD), Nga chỉ thu thuế 15% đối với thu nhập từ tất cả các nguồn trên thế giới. 

Chi tiết về chương trình này vẫn chưa được xác nhận và cũng chưa có lộ trình thực hiện cụ thể, tuy nhiên, một trong các lựa chọn để đăng ký là phải đầu tư ít nhất 10 triệu Rúp (136.611 USD) vào một doanh nghiệp tạo ra 10 việc làm tại Nga. Một lựa chọn khác là đầu tư 30 triệu Rúp vào bất động sản hoặc trái phiếu chính phủ Nga.

Để so sánh, chương trình "hộ chiếu vàng" tại Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu người đăng ký phải đầu tư ít nhất 250.000 Euro (303.000 USD). Còn tại Thái Lan, chương trình tương tự yêu cầu người đăng ký phải đầu tư tối thiểu 600.000 Baht (19.177 USD). 

Kể từ khi triển khai chương trình "hộ chiếu vàng" vào năm 2012, Thổ Nhĩ Kỳ đã thu hút được vốn đầu tư ròng 5,8 tỷ Euro, trong đó có 5,3 tỷ Euro vào lĩnh vực bất động sản, theo số liệu chính thức của chính phủ nước này. 

Tính từ năm 2005, các công ty tư nhân và quốc doanh của Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 56 tỷ USD vào Nga, theo số liệu từ Viện nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ và Tổ chức Di sản có trụ sở tại Mỹ. Trong đó, 4,85 tỷ USD rót vào lĩnh vực bất động sản. 

Theo Global Times, năm 2020, có khoảng 200.000-300.000 người Trung Quốc sinh sống tại Nga. 

Thị trường địa ốc Nga thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư từ Trung Đông và châu Á, trong đó có Trung Quốc, đặc biệt là với phân khúc bất động sản cao cấp.

Theo hãng tư vấn bất động sản CBRE, giá nhà trung bình tại thủ đô Moscow, Nga là 4.271 USD/m2 trong năm 2020, thấp hơn nhiều so với tại các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến (trung bình khoảng 6.597-8.021 USD/m2). 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate