Theo tin từ CNBC, Bộ Tài chính Nga ngày 29/4 tuyên bố đã dùng đồng USD để thực hiện việc trả nợ. Đây là một cú “quay xe” bất ngờ bởi trước đó Moscow vẫn tuyên bố sẽ dùng đồng Rúp để thanh toán các khoản nợ trái phiếu phát hành bằng đồng USD, cho dù chủ nợ có chấp nhận hay không.
Bộ Tài chính Nga cho biết đã thanh toán 564,8 triệu USD của một lô trái phiếu USD đáo hạn trong năm 2022 và 84,4 triệu USD của một lô trái phiếu USD đáo hạn vào năm 2042. Đây đều là những trái phiếu mà Nga phát hành tại thị trường châu Âu (Eurobond), với điều khoản của thoả thuận nợ là được thanh toán bằng USD.
Số tiền trả nợ của Nga được cho là đã được chuyển tới chi nhánh của ngân hàng Citibank ở London, nhưng hiện chưa rõ đã được đổ vào tài khoản của trái chủ hay chưa. Số nợ này của Nga đáo hạn hồi đầu tháng 4, và sau đó là thời gian ân hạn kéo dài 30 ngày. Nếu không trả được, Nga sẽ bị coi là vỡ nợ vào ngày 4/5.
Trái phiếu Chính phủ Nga tăng giá mạnh trong phiên ngày 29/4, sau tuyên bố từ Bộ Tài chính Nga. Tuy nhiên, một số nhà quan sát phương Tây, như ông Timothy Ash - chiến lược gia trưởng về các thị trường mới nổi thuộc BlueBay Asset Management, cho rằng không thể dám chắc Nga đã thoát hoàn toàn khỏi nguy cơ vỡ nợ.
Một quan chức Mỹ cho biết Nga không huy động tiền thông qua hệ thống tài chính của Mỹ cho lần trả nợ này, và số tiền đó nhiều khả năng là tiền mà Moscow mới gom được trong thời gian gần đây.
Khoảng một nửa dự trữ ngoại hối hơn 600 tỷ USD của Nga đã bị đóng băng trong các tài khoản ở nước ngoài, khi phương Tây tung những biện pháp trừng phạt cứng rắn để đáp trả cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Việc đóng băng tài sản này nhằm mục đích Nga phải rút cạn dự trữ ngoại hối cất giữ trong nước, hoặc chấp nhận vụ vỡ nợ quốc tế đầu tiên của Moscow trong hơn 1 thế kỷ - một sự việc có thể gây tổn thất lớn đối với uy tín của Nga cũng như nền kinh tế vốn đang lao đao vì chiến tranh của nước này.
Hôm 4/4, Nga đã tiến hành thanh toán hai khoản nợ nói trên bằng đồng Rúp. Trong một tuyên bố, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s nói rằng động thái đó của Nga không tuân thủ đúng hợp đồng và nước này sẽ bị coi là vỡ nợ nếu không thanh toán được bằng đồng USD khi kết thúc thời gian ân hạn vào ngày 4/5.
Một tổ chức đánh giá tín nhiệm khác là S&P Global Ratings đã hạ điểm tín nhiệm nợ nước ngoài của Nga xuống mức “vỡ nợ từng phần” sau khi Nga dùng Rúp để trả nợ trái phiếu USD hôm 4/4.
Hồi tháng 3, Nga cũng đã suýt vỡ nợ và thoát hiểm vào phút chót, sau khi thanh toán đầy đủ 117 triệu USD tiền lãi của hai lô trái phiếu USD. Trước đó, có những đồn đoán cho rằng Moscow sẽ trả số nợ này bằng Rúp.
Ở thời điểm đó, người phát ngôn Dmitry Peskov của điện Kremlin nói rằng bất kỳ vụ vỡ nợ nào của Nga cũng “hoàn toàn là giả tạo” vì Nga có đủ tiền để thực hiện các nghĩa vụ nợ quốc tế, chẳng qua việc trả nợ của Nga bị cản trở bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Lần gần đây nhất Nga vỡ nợ trái phiếu quốc tế là vào năm 1918. Một vụ vỡ nợ có thể mở ra một thời kỳ kéo dài đầy những vụ kiện tụng phức tạp. Tháng trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov nói rằng nước này sẽ khởi kiện nếu bị các biện pháp trừng phạt của phương Tây đẩy vào cảnh vỡ nợ.