Trong tháng 5 vừa qua, Thụy Sỹ đã lần đầu tiên nhập khẩu vàng từ Nga kể từ sau khi Moscow phát động chiến tranh ở Ukraine ngày 24/2.
Động thái này cho thấy một số quốc gia có thể đang nới lỏng các biện pháp trừng phạt của mình đối với Nga.
Theo dữ liệu từ Cục Hải quan Liên bang Thụy Sỹ, trong tháng 5, Thụy Sỹ đã nhập hơn 3 tấn vàng từ Nga, đánh dấu lần nhập khẩu vàng Nga đầu tiên của quốc gia châu Âu này kể từ tháng 2.
Động thái của Thụy Sỹ - quốc gia sở hữu 4 nhà máy tinh luyện vàng lớn – gây chú ý lớn bởi hầu hết quốc gia tại châu Âu đã ngừng nhập vàng từ Nga khi Hiệp hội Thị trường Vàng thỏi London (LBMA) loại bỏ Moscow khỏi danh sách được công nhận.
Việc Nga bị LBMA loại khỏi danh sách là một lệnh cấm thực tế đối với vàng Nga trên thị trường London. Tuy nhiên, không có biện pháp trừng phạt rõ ràng nào cấm việc xử lý vàng của Nga tại các quốc gia khác.
Thụy Sỹ đã đăng ký gần như tất cả số vàng mà nước này nhập khẩu trong tháng trước để dùng trong tinh chế hoặc xử lý theo phương thức khác, dù cả 4 nhà máy tính chế lớn của nước này nói rằng họ không nhận số vàng nhập khẩu đó.
Trong khi đó, các quốc gia khác vẫn tỏ ra do dự trong việc nhập khẩu kim loại từ Nga, gồm vàng và palladium. Còn Thụy Sỹ đã khôi phục việc nhập palladium của Nga từ hồi tháng 4.
Nguồn dự trữ vàng và ngoại hối dồi dào đang được xem là lá chắn tài chính quan trọng để nền kinh tế Nga chống lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Theo Bloomberg, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt Nga cắt đứt những thị trường truyền thống phần lớn ở Châu Âu và Mỹ, Moscow đang tìm phương thức mới để bán vàng, như xuất khẩu nhiều hơn sang Trung Quốc và Trung Đông.
Bất chấp các lệnh cấm từ phương Tây, Nga vẫn tiếp tục khẳng định sức mạnh của mình với tư cách một nhà cung cấp hàng hóa lớn, đặc biệt là với mặt hàng năng lượng khi mà doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của nước này đều tăng.
Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), doanh thu xuất khẩu dầu mỏ trong tháng 5 của Nga đã tăng 11% lên 20 tỷ USD, nhờ giá năng lượng tăng bù đắp cho lượng xuất khẩu sụt giảm. Theo đó, doanh thu xuất khẩu dầu của Moscow đã phục hồi lại mức trước chiến tranh.